Vốn Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam, vượt qua cả vốn đầu tư của Nhật, Hàn
(Dân trí) - 10 tháng năm 2020, vốn đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đã vượt qua nhiều đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc ở Việt Nam. Đáng nói, vốn của các đối tác này tăng mạnh 5 năm trở lại đây.
Theo cập nhật của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm 2019, vốn đầu tư FDI của nhiều đối tác lớn của Việt Nam giảm mạnh như Hàn Quốc chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 2,1 tỷ USD; Nhật Bản chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Xét tổng thể, vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông vẫn khá ổn định ở Việt Nam. Tổng vốn các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu Hồng Kông vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua vốn của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lũy kế đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đạt trên 76 tỷ USD, vượt qua tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ trước tới nay của Hàn Quốc (70,4 tỷ USD), Nhật Bản (gần 60 tỷ USD) và Singapore (55,7 tỷ USD).
Riêng vốn đầu tư từ Trung Quốc, 5 năm trước, các nhà đầu tư nước này sau nhiều năm thăm dò mới chỉ bỏ khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm sau, con số hoàn toàn khác, vốn FDI của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi ở Việt Nam.
Từ chỗ không nằm trong "top 10" nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, đến nay vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc luôn đứng ở vị trí thứ 6 tại Việt Nam. Xét từng năm, vốn Trung Quốc đang cải thiện dần vị trí trong số các đối tác lớn ở Việt Nam, có thời điểm, vốn Trung Quốc còn ở vị trí thứ 4 sau các nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
Về đặc điểm vốn đầu tư của Trung Quốc, 10 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ hơn 1,3 tỷ USD cho hơn 294 dự án cấp mới, quy mô mỗi dự án khá nhỏ chỉ khoảng 4,5 triệu USD.
Trong khi đó, vốn góp mua cổ phần của các nhà đầu tư nước này cũng đạt trên 353 triệu USD cho 761 dự án hoặc doanh nghiệp dự án, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông cấp mới ở Việt Nam 10 tháng qua đạt 900 triệu USD vào 179 dự án; vốn góp mua cổ phần là hơn 184 triệu USD, cho hơn 107 dự án.
Vốn của các nhà đầu tư Đài Loan là 934 triệu USD cho 102 dự án mới, vốn góp mua cổ phần là 293 triệu USD cho hơn 390 dự án góp mua cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa...
Nhìn chung, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua, vốn Trung Quốc đã tăng thêm 8,1 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 1,6 tỷ USD. Số tăng không nhiều nhưng ổn định cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đã qua thời gian nghe ngóng thị trường, bắt đầu đổ bộ nhiều hơn ở Việt Nam.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Vốn đầu tư Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam nhờ vào việc dịch chuyển một số chuỗi sản xuất, trong đó có việc doanh nhân Trung Quốc đang muốn tận dụng Việt Nam như thị trường gia công xuất khẩu, tránh đánh thuế và đặc biệt là tận dụng lao động giá rẻ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tái cơ cấu, thải loại mạnh mẽ".
Nhiều chuyên gia kinh tế bình luận, việc vốn Trung Quốc tăng tốc vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam là minh chứng cho quy mô của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn. Các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng đứng đầu trong chuỗi sản xuất các sản phẩm dệt may, cơ khí công nghiệp và điện tử, tự động hóa và thể hiện nhiều hơn vai trò của nền kinh tế số 1 thế giới.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn đầu tư của Trung Quốc là minh chứng cho tham vọng "xuất khẩu tư bản" của Trung Quốc ra nước khác, hiện thực hóa tham vọng chuyển rủi ro, chuyển bẫy nợ ra nước ngoài và quyết tâm chiến lược "vành đai - con đường" mà nước này đã và đang thực hiện vài thập kỷ gần đây.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, với vốn mới Trung Quốc, Việt Nam cần sự quan tâm đặc biệt ở các lĩnh vực xuất khẩu tỷ đô, trong đó nói không với dệt nhuộm vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, với các ngành sản xuất mà Việt Nam đang bị các thị trường như Mỹ, EU "soi" rất kỹ về chứng nhận nguồn gốc là dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ... Việt Nam cần cẩn trọng khi tiếp nhận các dự án kiểu như vài triệu USD nhưng chỉ để lẩn tránh thuế, xuất khẩu hộ sản phẩm của Trung Quốc.