Vốn Nhật đang rời Việt Nam

Dòng vốn nóng đầu tư từ Nhật Bản dường như đang bớt nhiệt. Bắt đầu từ năm 2014, xu hướng giảm đầu tư của người Nhật ngày càng rõ rệt.

Một công ty chuyên sản xuất linh kiện cao su có trụ sở tại Đồng Nai từ sau Tết Nguyên đán đến nay đang phải cắt giảm lượng công việc. Đại diện DN cho biết, có đến hơn một nửa công nhân nghỉ Tết chưa trở lại làm việc, nhưng dây chuyền sản xuất không bị ảnh hưởng.

Bắt đầu từ năm 2014, xu hướng giảm đầu tư của người Nhật ngày càng rõ rệt.
Bắt đầu từ năm 2014, xu hướng giảm đầu tư của người Nhật ngày càng rõ rệt.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
“Sang năm nay, tổng giá trị đơn hàng nhận được từ các đối tác Nhật Bản đầu tư trong nước chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Nếu năm 2014, nhà máy nhận được 4 đơn hàng thì đầu năm 2015 chỉ sản xuất 2 đơn hàng”, vị đại diện DN cho biết.

Sau khi mối quan hệ hữu nghị được thắt chặt thêm từ những chia sẻ sau thảm họa kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản dâng cao để phân tán rủi ro và sau những hoạt động ngoại giao và xúc tiến đầu tư gia tăng từ phía Việt Nam, dòng vốn nóng đầu tư từ Nhật Bản dường như đang bớt nhiệt. Bắt đầu từ năm 2014, xu hướng giảm đầu tư của người Nhật ngày càng rõ rệt.

Bớt nhiệt tình

Năm 2011, trong một cuộc chuyện trò cuối năm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Đoàn Xuân Hưng, từng cho biết kỳ vọng vào việc kết nối DN hai nước và dự báo việc tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, cũng như khả năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

Khi đó, chỉ trong vòng nửa cuối năm, hàng tỷ USD vốn đăng ký đầu tư đã được các DN Nhật Bản cam kết rót vào Việt Nam, đưa đối tác này nhảy lên vị trí TOP đầu về vốn đăng ký nhiều nhất trong năm. Sang năm 2013, Nhật Bản đứng vị trí đầu với xấp xỉ 5,9 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký.

Tuy nhiên, tiềm năng ở một thị trường rộng lớn trên 90 triệu dân, có quan hệ đối tác chiến lược, cơ sở giao bang hữu nghị, tin cậy lẫn nhau dường như không còn được các nhà đầu tư Nhật Bản coi trọng như trước. Năm 2014, Nhật Bản chỉ còn duy trì vị trí thứ 4 trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký giảm khoảng 61% so với năm trước đó, còn gần 2,3 tỷ USD. Đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất giảm cả về số dự án lẫn vốn đầu tư với mức giảm lần lượt là 10% và 15%.

Có thể, nguyên nhân khách quan là đồng Yên mất giá 25% so với USD, chuyện DN Nhật phải tính toán lại kế hoạch đầu tư là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều phải suy ngẫm là không phải Nhật Bản rút đầu tư ở tất cả các nước mà chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam qua các nước khác.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua đã có khá nhiều DN Nhật rút khỏi thị trường Việt Nam và tìm đến những thị trường khác như Myanmar, Philippines, Thái Lan, Indonesia, thậm chí là Campuchia…

Điểm mấu chốt buộc các DN Nhật Bản phải xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam do lợi nhuận thu được trong năm 2014 giảm thấp so với các nước khác. Cụ thể, năm 2014 có 62% số DN Nhật đang đầu tư tại Việt Nam xác nhận có lợi nhuận, nhưng số vốn đầu tư bổ sung của Nhật tại Việt Nam lại giảm 81% so với năm trước.

Cũng trong năm 2014, chỉ có các công ty Nhật trong lĩnh vực gia công xuất khẩu có lợi nhuận cao (khoảng 70%), còn khi những DN không nằm trong nhóm này lại thua lỗ đến 56%. Trong khi đó, theo một số DN Nhật Bản tại Khu công nghiệp Amatar chia sẻ, mức lợi nhuận của DN Nhật đầu tư tại các nước khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc lại cao hơn Việt Nam.

Lũy kế cho đến tháng 2 năm nay, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam, xét theo giá trị cam kết đầu tư. Chính vì thế, việc môi trường kinh doanh của Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong khu vực, trong mắt người Nhật, đặt ra nhiều điều. Nó đồng thời là biểu hiện sự đi xuống của môi trường kinh doanh và cảnh báo về sự sụt giảm dòng vốn quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Nội lực và chính sách là rào cản

Trên thực tế, những khó khăn về chính sách, thủ tục tại Việt Nam có góp phần rất lớn vào việc suy thoái đầu tư hay không là điều mà nhiều DN cần biết. Ông Hirotaka thừa nhận, tính đến thời điểm này, các DN Nhật giảm đầu tư sản xuất tại Việt Nam chung quy vì thủ tục nhiêu khê.

Chẳng hạn, trong khi đa số DN ngành công nghiệp phụ trợ Nhật Bản có quy mô nhỏ, theo làn sóng giảm thiểu rủi ro từ sau thảm họa kép muốn đầu tư ra nước ngoài. Một số DN có ý định chuyển toàn bộ thiết bị máy móc từ nhà máy cũ sang Việt Nam, nhưng lại vướng phải quy định cấm nhập khẩu máy móc cũ. Do đó, một số dự án đầu tư đã bị chững lại.

Với các DN lớn, quy mô đa quốc gia đến từ Nhật Bản, khi đầu tư vào ngành sản xuất, họ cần nhiều hỗ trợ về nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng như chính sách ưu đãi từ các chính phủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, họ đã không tận dụng được điều này. Có thể thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 14,4% trong khi Trung Quốc là 38,2%, Thái Lan 23,2%.

Luật sư Manfred Otto (Văn phòng Duane Morris) trong một lần tới Việt Nam để kết nối giao thương cho biết, trong năm 2014 có khoảng 100 DNNVV của Nhật Bản tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Các DN này phần lớn kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất kim loại và nhựa.

Yêu cầu mà các DN Nhật đặt ra là các DN có kỷ luật trong quy trình sản xuất, chất lượng các sản phẩm đồng đều với tỷ lệ trên 60% nhằm giảm chi phí đầu tư. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phải tập trung và nâng cao chất lượng hơn nữa.

Dù đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, song ông Masaaki, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bridgestone của Nhật Bản chia sẻ rằng hầu hết DN Nhật vẫn chưa xin được chính sách ưu đãi cho DNNVV. Hiện tại, mới chỉ có một DN Nhật là Kyocera tận dụng được chính sách hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, nhưng công ty này không chuyên về công nghiệp hỗ trợ mà là về lắp ráp.

Tương tự, luật sư Manfred Otto chia sẻ rằng, luật kinh doanh chưa quản được hết hoạt động của DN Việt Nam. Trong đó, kế toán cũng là vấn đề các DN Nhật luôn thận trọng vì hiện tượng một DN Việt có nhiều sổ kế toán cũng khá phổ biến. Một khó khăn khác đặt ra trong quá trình hợp tác với DN Việt, các DN Nhật gặp trở ngại chính từ việc không tìm được nhân sự đủ chất lượng để chuyển giao kỹ thuật…

Để giữ được nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam cần có sự cải thiện rất căn bản về môi trường đầu tư, những điều chỉnh về luật đầu tư, luật DN cũng như giảm thuế, giảm lãi suất và rất nhiều yếu tố giúp giảm chi phí cho các DN đầu tư.

Ngoài ra, xu hướng sắp tới sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, nâng cao công tác quản lý... để áp dụng vào thực tế, tăng nội lực cho nền DN Việt Nam trong mắt NĐT Nhật.

Nhiều DN cũng kỳ vọng Chính phủ nên nỗ lực cải cách thể chế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ là nền tảng duy trì sự ổn định và tăng trưởng của dòng vốn FDI trong năm 2015.

Theo Bắc - Nam
Thời báo Ngân hàng
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”