Vốn hoá VIC, VHM bay hơi hàng ngàn tỷ đồng trong chốc lát, chứng khoán “đỏ sàn”

(Dân trí) - Trong phiên giao dịch sáng nay (16/4), số mã giảm giá áp đảo, cùng với việc nhóm cổ phiếu “họ Vin” lao dốc đã khiến chỉ số chính của thị trường là VN-Index có lúc mất gần 20 điểm. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ trong một buổi sáng giảm hơn 6.500 tỷ đồng.

Trở lại giao dịch sau 3 ngày nghỉ, cùng với áp lực bán khá mạnh là sự dè dặt của giới đầu tư đã khiến các chỉ số diễn biến tiêu cực. VN-Index sáng nay (16/4) đánh mất 12,82 điểm tương ứng 1,3% còn 970,08 điểm và HNX-Index mất 0,93 điểm tương ứng 0,86% còn 106,77 điểm.

Tuy nhiên, đây không phải là mức thấp nhất của chỉ số chính trong phiên giao dịch sáng. Trong 30 phút giao dịch đầu tiên, VN-Index đã mất tới gần 20 điểm (hơn 2%) xuống vùng giá 963 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về các mã giảm giá. Có tổng cộng 374 mã giảm và 22 mã giảm sàn trong khi số mã tăng là 175 mã và 29 mã tăng trần. Riêng trên sàn HSX, số mã giảm giá gấp hơn 3 lần số mã tăng (209 mã giảm, 4 mã giảm sàn so với 65 mã tăng, 6 mã tăng trần).

Thanh khoản thị trường đạt thấp. Trên HSX suốt phiên giao dịch sáng chỉ có 85,22 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.804,02 tỷ đồng và con số này trên HNX là 17,87 triệu cổ phiếu tương ứng 219,16 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là bộ ba VIC, VHM và VCB giảm giá đã tác động tiêu cực đến VN-Index. VIC khiến chỉ số giảm gần 3,4 điểm trong khi VHM lấy đi của VN-Index 2,95 điểm và thiệt hại do VCB mang lại là 1,13 điểm.

Vốn hoá VIC, VHM bay hơi hàng ngàn tỷ đồng trong chốc lát, chứng khoán “đỏ sàn” - 1

Người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng bị sụt giảm tài sản do diễn biến cổ phiếu không thuận lợi trong phiên đầu tuần

BID, VNM và HDB là những mã có diễn biến tích cực và hỗ trợ cho VN-Index song chỉ có thể phần nào khiến chỉ số thu hẹp được đà giảm chứ không “cứu” được thị trường.

Sáng nay, cổ phiếu VIC bất ngờ giảm 3.500 đồng tương ứng 3,09% còn 109.700 đồng/cổ phiếu trong khi VHM cũng giảm tới 2.900 đồng tương ứng 3,11% còn 90.400 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, đây vẫn là hai mã cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường: vốn hoá của Vingroup đạt 350.121 tỷ đồng và của Vinhomes đạt 302.796 tỷ đồng. Một mã cổ phiếu “họ Vin” khác là VRE cũng sụt giảm sâu, mất 1.000 đồng tương ứng 2,86% còn 33.950 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu Vingroup giảm giá mặc dù trong sáng nay có thông tin VinFast sẽ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ô tô vào tháng 6 năm nay thay vì tháng 9/2019 như kế hoạch.

Với kỷ lục 21 tháng - từ khởi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và chính thức vận hành nhà máy, VinFast được cho là sẽ tạo nên kỳ tích mới trong ngành công nghiệp ôtô thế giới.

Mức giảm khá mạnh của VIC trong sáng nay đã khiến giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup bị sụt giảm hơn 6.528 tỷ đồng chỉ trong vài giờ.

Điểm tích cực là biên độ giảm của chỉ số đã được thu hẹp cũng như mức giảm của các mã cổ phiếu “họ Vin” vào cuối phiên giao dịch sáng đã phần nào rút ngắn so với thời điểm đầu phiên. Theo đó, phiên giao dịch chiều nay có triển vọng hồi phục trở lại.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư vừa công bố, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Mặt khác, thống kê những năm trước trở lại đây cho thấy các chỉ số chứng khoán của Việt Nam thường ghi nhận diễn biến kém tích cực trong tháng 4 và giao dịch cũng không thực sự sôi động, do đó tâm lý dè dặt của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu.

Trong giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến từ các phiên họp ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp niêm yết sẽ diễn ra trong tuần để lên kế hoạch tích lũy dần cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.

Mai Chi