Võ Trường Thành mất nghiệp, ngày tàn lụi một "ông lớn"

Các đại gia trong và ngoài nước đổ tiền ồ ạt vào các thương hiệu Việt hàng đầu. Tuy nhiên, có những doanh nhân liên tục lập đỉnh mới và trở thành đế chế như Nguyễn Đức Tài, trong khi có người lụi tàn.

Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips vẫn vững giá và có tác động rất tích cực tới thị trường chứng khoán . Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ cột như Sabeco (SAB), Habeco (BHN), Vinamilk (VNM), Hòa Phát (HPG), Dược Hậu Giang (DHG)… điều chỉnh giảm sau một thời gian dài tăng liên tục đã kéo VN-Index giảm nhẹ.

Tích cực nhất vẫn là nhóm ngân hàng và bán lẻ. Đây là 2 nhóm cổ phiếu đóng góp khá lớn vào những kết quả tích cực của thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian từ đầu năm tới nay. Trong đó, tiêu biểu là Ngân hàng BIDV (BID), Thế Giới Di Động (MWG) và Phú Quý (PNJ).

Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới nhờ lực mua mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhóm Dragon Capital. Với hàng loạt các thương vụ mua vào gần đây, Thế giới di động đã vượt Vinamilk (VNM) trở thành khoản đầu tư lớn nhất của Dragon Capital.

Với sức cầu từ khối ngoại rất mạnh, cổ phiếu MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã vượt ngưỡng 114 ngàn đồng/cp. Ông Tài đang giàu kỷ lục với gần 5,3 ngàn tỷ đồng tài sản quy ra từ cổ phiếu MWG.

Hiện tại, nhóm Dragon Capital và các quỹ ngoại vẫn liên tục chốt lời các cổ phiếu đã tăng mạnh nhưng vẫn đẩy mạnh đầu tư và nâng tỷ trọng ở các cổ phiếu đầu ngành và có tiềm năng trưởng tốt trong tương lai như MWG, FPT, VNM, HPG, ACV, VGC...


Ông trùm ngành gỗ một thời: Võ Trường Thành.

Ông trùm ngành gỗ một thời: Võ Trường Thành.

Một nhóm ngoại khác là VinaCapital cũng đang miệt mài mua vào. Nhóm này vừa thêm trăm tỷ để trở thành cổ đông lớn của Viglacera (VGC). Đây là cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang phát triển rất nhanh và trở thành những đế chế mới trên thị trường chứng khoán thì cũng có những thương hiệu Việt hàng đầu bị lu mờ cho dù cũng được các đại gia đầu tư vào.

Gỗ Trường Thành (TTF) của ông Võ Trường Thành đang lụi tàn.

Trước đó, giới đầu tư rất kỳ vọng vào ông trùm ngành gỗ TTF sau khi Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát đổ khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Gỗ Trường Thành.

Tuy nhiên, tình hình đã không còn tốt đẹp như kỳ vọng. Tân Liên Phát đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1,2 ngàn tỷ đồng để nâng sở hữu vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được. Những sai lệch này chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.

Việc Trường Thành bất ngờ công bố lỗ cả ngàn tỷ đồng đã gây sốc cho cả giới tài chính. Giới đầu tư không hiểu điều gì đang xảy ra với đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam này.

Gỗ Trường Thành vừa quyết định bán toàn bộ vốn góp gần 70% cổ phần Công nghiệp Gỗ Trường Thành (TTI). Đây có lẽ là bước cuối cùng chấm dứt sự tồn tại của một ông trùm ngành gỗ TTF Võ Trường Thành.

Trên TTCK, bên cạnh sự điều chỉnh giảm tất yếu của một số cổ phiếu blue-chips sau thời gian dài giảm giá, nhiều cổ phiếu nóng đang hút dòng tiền trong đó có FCN do nới room ngoại. HAR và KLF tăng kịch trần.

Nhóm cổ phiếu họ FLC tiếp tục giao dịch bùng nổ như thường thấy ở các cổ phiếu nóng này. KLF tăng trần nhiều phiên liên tiếp (với dư mua hàng chục triệu đơn vị) sau khi có thông tin doanh nghiệp này và FLC của tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết triệu họp đại hội bất thường. Nhiều khả năng ông Quyết sắp có một quyết định quan trọng.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng. Sức cầu của khối ngoại và triển vọng tốt của các doanh nghiệp đầu ngành đang nâng đỡ thanh khoản và thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến thị trường khó tăng mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9, VN-index giảm 1,93 điểm xuống 803,93 điểm; HNX-Index tăng 0,57 điểm lên 105,75 điểm. Upcom-Index giảm 0,08 điểm lên 54,48 điểm. Thanh khoản đạt 218 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

Theo H. Tú
VietnamNet