1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vỡ quy hoạch điện mặt trời, dự báo chưa chuẩn: Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm?

(Dân trí) - Văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác quản lý quy hoạch phát triển điện của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn yếu kém.

Vỡ quy hoạch điện mặt trời, dự báo chưa chuẩn: Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm? - 1
Hình minh hoạ.

Văn phòng Chính phủ vừa có kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Kết luận này nêu rõ, giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia.

Các kết quả đã được các bộ ngành đánh giá tích cực bổ sung kịp thời nguồn điện mới cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn đang bị chậm tiến độ, nhất là một số nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn.

Tuy nhiên kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, giai đoạn qua đã cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Thứ nhất, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Thứ hai, việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời.

Thứ ba, công tác quản lý quy hoạch phát triển điện của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn yếu kém.

Cuối cùng, kết luận nêu rõ: Bộ Công Thương chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất khó khăn trong truyền tải điện.

Việc này cũng làm ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng quyền lợi của các nhà đầu tư. Công tác quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ đồng bộ.

“Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn tới”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Trước đó, việc vỡ quy hoạch điện mặt trời cũng đã “nóng” nghị trường Quốc hội. Hiện 121 dự án điện mặt trời được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt. Do vâỵ, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đã chất vấn: "Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850MW và 1200MW tới 2030 đã bị phá vỡ và công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu".

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án.

"Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải toả công suất", ông Tuấn Anh nói.

Nguyễn Mạnh