“Vỡ đê” tỷ giá, nhập siêu "nổ tung"

Nhiều khả năng một “thủ phạm” vừa mới xuất hiện trong năm nay khiến “đoàn tàu nhập khẩu” và nhập siêu tăng tốc đột ngột. Đó chính là tác động “kép” của việc 2 lần nới rộng biên độ dao động tỷ giá và việc ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” tăng giá VND so với USD.

Cụ thể, bên cạnh việc nới rộng biên độ dao động tỷ giá từ ±0,5% lên ±0,75% từ đầu năm nay, và tiếp theo, lên ±1% từ ngày 10/3 vừa qua, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND so với USD do ngân hàng Nhà nước công bố ngày 2/1/2008 là 16.112đ (tăng 2đ và 0,1% so với 16.114đ ở thời điểm cuối năm 2007); ngày 1/2 là 16.089đ (tăng 23đ và 0,14%); ngày 10.3 là 16.025đ (tăng 64đ và 0,40%) và ngày 21/3 chỉ có 15.980đ (tăng 45đ và 0,28%).

Trong điều kiện các nhà quản lý đồng thời “thả cả hai phanh” như vậy tuy chưa thể khiến VND lên giá cùng nhịp với thị trường tự do, nhưng rõ ràng là giá hàng nhập khẩu tính bằng VND đã liên tục giảm mạnh.

Cụ thể, nếu như 1 USD hàng nhập khẩu cuối năm 2007 có giá 16.033đ, thì ngày 2/1/2008 chỉ còn là 15.991đ (giảm 0,26%); ngày 1/2 là 15.968đ (giảm 0,14%); ngày 10/3 là 15.865đ (giảm 0,65%) và ngày 21/3 vừa qua là 15.820đ (giảm 0,28%), tức là hiện đã giảm tổng cộng 213đ và 1,33% so với cuối năm 2007.

Như vậy, bên cạnh việc hai lần nới rộng biên độ dao động tỷ giá tạo ra hai “bậc thang” giảm giá hàng nhập khẩu, việc ngày càng “mạnh tay” tăng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngân hàng Nhà nước trong tháng 2 vừa qua và đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 3 này càng tạo ra nguồn động lực mạnh hơn thúc đẩy nhập khẩu tăng đột biến như đã nói ở trên.

Từ thực tế đó, hầu như có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, nhập khẩu gia tăng do giá ngày càng “mềm” hơn chính là tiền đề để phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát trong những tháng tới. Việc giá dầu mỏ thế giới liên tục “nhảy nhót” xung quang ngưỡng 110 USD trong những ngày qua, nhưng các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu không hề “than” lỗ như trước đây đủ cho thấy điều này.

Thế nhưng, trong khi các nhà nhập khẩu được lợi ngày càng nhiều do VND liên tục mạnh lên, và do vậy, càng có động lực mạnh hơn để gia tăng nhập khẩu, thì ở đầu ra xuất khẩu của nền kinh tế, các doanh nghiệp lại ngày càng “khốn khó” hơn với những đồng USD kiếm được. Và do vậy, đây cũng chính là lý do để xuất khẩu không thể tăng đột biến như nhập khẩu, mặc dù giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta vẫn sốt nóng.

Trong điều kiện như vậy, nếu kiến nghị nới rộng biên độ dao động tỷ giá VND so với USD được nới rộng lên ±3 – ±4%, thậm chí ±5% như đã được VAFI và một số quan chức đề xuất để “đuổi kịp” giá thị trường, thì đây không chỉ là “liều thuốc độc” đối với các nhà xuất khẩu, mà đối với cả nền kinh tế, bởi “quả bom” nhập siêu sẽ nổ tung.

Theo Nguyễn Đình Bích
Báo SGTT