Infographic

VNPT giàu cỡ nào?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Tập đoàn VNPT có lợi nhuận sau thuế trên 5.000 tỷ đồng trong suốt 5 năm qua. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, thu lãi tiền gửi đều đặn.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa gây chú ý trên thị trường khi có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, tập đoàn ghi nhận khoản mục này lên tới 54.270 tỷ đồng, tăng 4.057 tỷ đồng so với năm trước.

Khoản tiền khổng lồ này đã "vượt mặt" một số ông lớn khác như Sabeco (23.500 tỷ đồng), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, 32.994 tỷ đồng) hay Hòa Phát (34.592 tỷ đồng). Nhờ tiền nhàn rỗi lớn, VNPT ghi nhận 2.645 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Không phải năm đầu tiên, tập đoàn viễn thông do Nhà nước quản lý vốn có số tiền nhàn rỗi lớn. Trong 5 năm qua (2018-2022), khoản tiền này liên tục tăng đều đặn qua từng năm và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản. Tại năm 2022, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 53% tổng tài sản doanh nghiệp.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, VNPT lãi 5.413 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Trong nhiều năm, nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận tài chính, ngoài ra còn một số lợi nhuận khác. Biên lợi nhuận gộp của VNPT cao qua các năm nhưng 2 năm trở lại đây có giảm nhẹ.

VNPT cũng không có nhiều khoản nợ vay ngân hàng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,02 lần trong năm 2022. Tuy nhiên, công ty có tổng nợ phải trả là 30.533 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản trả người bán ngắn hạn, trả người lao động, quỹ khen thưởng phúc lợi....

VNPT giàu cỡ nào? - 1