1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Vn-Index sẽ không vượt quá 1.100 điểm”

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán vừa có một phiên đảo chiều mạnh mẽ, nhưng theo nhận định của Chuyên gia chứng khoán Lê Trung Thành, Phó trưởng bộ môn Thị trường Chứng khoán (Đại học Kinh tế Quốc dân), sự đảo chiều này không bền vững.

Ông Lê Trung Thành cho biết: Vào phiên giao dịch ngày 13/11, Vn-Index đã xuống quá thấp (973,59 điểm) nên nhà đầu tư nghĩ rằng đó đã là ngưỡng kháng cự và sẽ quay trở lại xu hướng tăng giá.

Nhưng với lượng cầu và với lượng giao dịch của các tổ chức, hoặc với các thông tin hiện nay, tôi đánh giá sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không phải là mức tăng trưởng vững.

Vn-Index sẽ diễn biến theo hình răng cưa, xu hướng tăng của nó từ nay đến cuối năm theo dự báo của tôi là sẽ không vượt quá 1.100 điểm. 

Căn cứ đâu để ông dự đoán Vn-Index sẽ không thể vượt ngưỡng 1.100 điểm vào cuối năm, trong khi nhiều người lại cho rằng Vn-Index có thể lên 1.200 điểm, thậm chí 1.300 điểm?

Nếu nhìn vào những chỉ số kinh tế hiện nay, ta có thể nhận thấy thị trường đang có những tín hiệu rất bất lợi, đặc biệt là thị trường bất động sản không có dấu hiệu hồi phục mà lại có dấu hiệu đầu cơ rất mạnh.

Có những khu đô thị ở Trung Hoà- Nhân Chính chỉ mới quy hoạch mà đã có những đơn đặt mua với giá trung bình từ 25-30 triệu/m2, điều này chứng tỏ người ta đang đầu cơ rất mạnh, chứ nhu cầu tiêu dùng thực sự không thể đến mức như vậy.

Như thế, một lượng tiền rất lớn sẽ quay sang thị trường này, kể cả kinh doanh vàng và nhìn vào lượng cung cầu trên thị trường hiện nay, có lẽ ngưỡng 1.100 điểm của Vn-Index từ nay đến cuối năm là tối đa.

Diễn biến hiện nay đang đi ngược năm 2006, từ tháng 9/2006, thị trường đã tăng và tăng đều, còn đây là tăng và bị sụt giảm. Tâm lý nhà đầu tư cũng sợ rồi, những diễn biến của thị trường tháng 10, tháng 11 như thế này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuối năm. 

Vậy theo ông, để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, chúng ta phải làm gì?

Để cho thị trường tăng trưởng bền vững được, yếu tố về công bố thông tin là vô cùng quan trọng. Nay đã là tháng 11 rồi, vậy mà thông tin cho đến hết tháng 9, tức 3 quý đầu năm, số doanh nghiệp công bố đếm trên đầu ngón tay. Đây chính là một điểm mà nhà đầu tư mất lòng tin vào việc quản lý và điều hành của các cơ quan liên quan.

Nhiều công ty trên thị trường hiện nay, công bố thông tin của họ hoặc là có những điểm thiếu minh bạch, hoặc thiếu thông tin, đã dẫn tới hệ quả là các nhà đầu tư trên thị trường mất lòng tin vào bản công bố thông tin của các tổ chức niêm yết. Nếu không giải quyết tốt điểm này thì thị trường sẽ không phát triển bền vững được.

Trước đây thị trường mình ở giai đoạn mới, đang bung ra còn giờ quy mô đã lớn mà không đi vào quản lý chuyên nghiệp là rất nguy hiểm, đến một lúc nào đó thị trường không nằm trong kiểm soát của chúng ta nữa.

Ông có ý kiến gì về tính chính xác của thông tin được các doanh nghiệp công bố, chẳng hạn như bản cáo bạch hay báo cáo tài chính?

Tôi đánh giá bản cáo bạch và báo cáo tài chính hiện nay đang có một xu hướng là khá hình thức và sẽ dẫn đến 3 không: không minh bạch, không đầy đủ và các thông tin trong bản cáo bạch cũng như báo cáo tài chính không còn là một căn cứ để nhà đầu tư đưa ra quyết định, bởi những thông tin trong này rất cũ.

Theo tôi cần xử phạt thật nặng lỗi về công bố thông tin. Hiện không có nhiều công ty niêm yết có một trang web tốt và được cập nhật thường xuyên; theo đó, chúng ta nên đưa ra một lộ trình cụ thể và quy định cho các công ty niêm yết phải thực hiện xây dựng website và công bố thông tin định kỳ. Thị trường chứng khoán là thị trường của lòng tin và đừng để nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường.

Theo dõi diễn biến thị trường hiện nay cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động cầm chừng, vì sao?

Thứ nhất là thị trường của mình nhỏ bé, tuy được xếp hạng thế giới với mức giao dịch trên 100 triệu USD/1 phiên nhưng thị trường vẫn nhỏ. Thứ hai là thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đặc biệt là rủi ro về chính sách.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mặc dù sự ổn định chính trị và kinh tế của chúng ta rất tốt nhưng rủi ro về chính sách lại khá cao vì trong quản lý thị trường vẫn mang tính áp đặt, không giống như các nước phát triển trường mở rộng quy mô kinh doanh vì việc điều hành thường sử dụng các công cụ mang tính thị trường như công cụ lãi suất, công cụ dự trữ ngoại tệ…

Còn ở Việt Nam thường dùng các biện pháp hành chính như quy định tỷ lệ, quy định những vấn đề được làm hay không được làm. Điều này đã và đang làm cầm chừng hoạt động mua bán của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền