Vn-Index giảm mạnh xuống 528 điểm

(Dân trí) - Vn-Index tuột dốc “không phanh” bắt đầu từ thời điểm 9h40 khi thông tin Indochina Capital thoái vốn lan rộng. Trong khi đó cuối giờ trên sàn Hà Nội nhà đầu tư “vơ vét” cổ phiếu giá sàn.

Vn-Index giảm mạnh xuống 528 điểm - 1
Vn-Index mất mốc 540 điểm (ảnh: Hữu Nghị).

Ngày 3/9/2009 đại hội cổ đông bất thường của Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) đã đưa ra quyết định thoái vốn để đóng quỹ.

Việc Indochina bán ra danh mục đầu tư cổ phiếu bao gồm toàn bộ các cổ phiếu bluechips có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới.

Trong danh mục đầu tư cổ phiếu của Indochina Capital, tính đến ngày 31/7/2009, ICV nắm giữ số cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt (BVH-HOSE) chiếm 6,9% NAV của công ty; VCB (6,8%); FPT (5%), VNM (3,8%); DPM (2,5%); GMD (2,3%), REE (2,1%); Ninomaxx (2,2%)...

Khối ngoại trong phiên giao dịch hôm qua bán ròng 92 tỷ đồng, trong khi đó tổ chức Credit Suisse Group AG khuyên các nhà đầu tư nên bán cổ phiếu trên thị trường Việt Nam sau khi Vn-Index tăng 71% trong năm nay và tín dụng ngân hàng chững lại.

Theo Credit Suisse, PE của Việt Nam đang cao thứ 2 tại Châu Á, trong khi trả lời truyền hình sáng hôm qua (3/9), một chuyên gia của Việt Nam cho rằng chỉ số PE của Việt Nam đang ở mức 18 lần, chỉ ngang bằng với PE của thị trường Mỹ và thấp hơn con số 22 lần của thị trường Trung Quốc và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn hấp dẫn.

Khi Vn-Index đang ở vùng “nhạy cảm”, bất cứ tin tức gì đưa ra cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu đã tăng trần liên tục 5,6 phiên liên tiếp, các nhà đầu tư sẵn sàng bán ra chốt lời.

Vn-Index trong phiên giao dịch sáng nay 4/9 giảm mạnh 12,32 điểm xuống 528,49 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh, đạt 78,739 triệu cổ phiếu, đạt giá trị 3.229,52 tỷ đồng.

Thị trường đóng cửa với 32 mã tăng giá trong đó có 12 mã tăng trần, 123 mã giảm giá trong đó có 34 mã giảm sàn, 15 mã đứng giá. Trong khi đó bên sàn Hà Nội, đến cuối giờ giao dịch các nhà đầu tư mua hết các cổ phiếu giá sàn tại một số mã như BVS…

Các cổ phiếu thủy sản bị chốt lời mạnh vào cuối phiên, duy nhất BAS tăng trần, ABT giảm 2.500 đồng cách giá sàn 500 đồng, còn lại AGF, ANV, ASP, CAD… giảm sàn hàng loạt và hoàn toàn không có dư mua.

Các cổ phiếu tăng mạnh trong tuần như HAG, HSG, LSS, PVT, VHC, VSH… giảm sàn hàng loạt, trong đó HAG có dư bán sàn gần 350.000 đơn vị, đóng cửa tại mức giá 100.000 đồng/cp.

Trong khi đó, DHG tăng trần nhờ tăng kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên gần gấp đôi và chuẩn bị chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 3:1, DRC và SJS cũng lội ngược dòng tăng trần lên 107.000 đồng và 164.000 đồng/cp. Trong đó DRC phiên này giao dịch 945.000 cổ phiếu.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index chốt ngày tại 166,92 điểm, giảm 2,82 điểm (-1,66%). Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 39 mã tăng giá, 21 mã đứng giá và 132 mã giảm giá.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, đáng chú ý nhất là PVS khi cổ phiếu này tăng trần lên 42.100 đồng trong khi các mã khác đều giảm giá. TBC giảm sàn, BVS giảm 4.600 đồng (-6,6%) xuống 69.800 đồng, VCG và KBC giảm 1.200 đồng, ACB, SHB giảm 600 đồng…

Nhiều cổ phiếu nhỏ tăng mạnh trong thời gian trước đã bị đổ ra bán sàn như: PGS, PVG, BKC, ICG, DCS, THT … Tuy nhiên, vẫn có một số mã tăng trần như AGC, VFR, TMC, PVE, PTM, CTM… AGC và VFR có lượng dư mua khá lớn.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 39,76 triệu đơn vị, tương đương 1.393 tỷ đồng. Giao dịch VCG vẫn đứng ở mức rất cao với hơn 4,15 triệu đơn vị. Tiếp đến là PVS (3,72 triệu), KLS (3,6 triệu), ACB (2,1 triệu)…

Phương Mai - Quốc Thắng