VN-Index bị đánh bay 22 điểm: Mùa thu lưới của giới đầu tư?

Mai Chi

(Dân trí) - Việc nhà đầu tư bán cổ phiếu để thu tiền về trong giai đoạn cuối năm không có gì lạ và gần như đã trở thành thông lệ.

Hoạt động chốt lời của giới đầu tư tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ trong phiên sáng nay (20/12). VN-Index giảm rất mạnh, hiện tại đã đánh mất tới 22,21 điểm tương ứng 2,14% còn 1.016,19 điểm, riêng VN30-Index bị "đánh bay" 28,65 điểm tương ứng 2,73% còn 1.021,57 điểm.

HNX-Index cũng giảm sâu, mất 4,66 điểm tương ứng 2,2% còn 207,57 điểm; UPCoM-Index giảm 1,42 điểm tương ứng 1,97% còn 70,7 điểm.

Sắc đỏ bao trùm cả 3 sàn với số lượng mã giảm hiện tại đã lên tới 664 mã, có 41 mã giảm sàn, trong khi phía tăng có 118 mã với 17 mã tăng trần.

VN-Index bị đánh bay 22 điểm: Mùa thu lưới của giới đầu tư? - 1

Top cổ phiếu ảnh hưởng tới VN-Index sáng nay (Ảnh chụp màn hình).

Trong rổ VN30 có 27 mã giảm giá, 1 mã giảm sàn NVL. NVL giảm sàn về 16.300 đồng và khớp lệnh đạt hơn 20,1 triệu đơn vị. Nhiều mã có mức giảm rất sâu, có thể kể đến TCB giảm 6,3%; PDR giảm 6,2%; GVR giảm 4,9%; HDB giảm 4,6%; STB giảm 4,5%; VRE giảm 4,4%; TPB giảm 4,4%; MBB giảm 4,4%; MWG giảm 4,2%; VPB giảm 4,2%; SSI giảm 3,9%; VIB giảm 3,6%; HPG giảm 3,5%...

Những cổ phiếu hiếm hoi ngược dòng trong rổ VN30 là VCB tăng 1%, VNM tăng 1,2% và SAB tăng 1,8%.

Cổ phiếu ngành tài chính rất nhạy với chỉ số chung, phần lớn đều giảm giá. Một số mã có mức giảm sâu là CTS giảm 5,8%; FIT giảm 5,6%; ORS giảm 5,3%; BCG giảm 5,1%; VIX giảm 4,7%; TVS giảm 4,7%; AGR giảm 4,5%; VRE giảm 4,4%; VND giảm 4,2%; VDS giảm 4%.

Cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm của hoạt động bán ra do đây cũng là nhóm đã có sức bật khá mạnh trong vòng một tháng qua. SZC, NVL, DTA giảm sàn, NVT giảm 6,8%; HPX giảm 6,8%; SZL giảm 6,7%; DRH giảm 6,6%; NLG giảm 6,5%; CKG giảm 6,4%; LDG giảm 5,9%...

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng chịu áp lực lớn, hiện tại đã ghi nhận tình trạng giảm sàn tại TTB, HAS, VGC, NHA. Nhiều mã có mức giảm mạnh, có thể kể tới MCG giảm 6,2%; HID giảm 6,1%; TGG giảm 5,9%; VCG giảm 5,6%; FCM giảm 5,6%; CIG giảm 5,6%; FCN giảm 5,5%; CLG giảm 5,3%; CII giảm 5,2%...

Cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống mặc dù hưởng lợi nhờ hoạt động tiêu dùng được kích hoạt cuối năm, song ngoài một số mã còn giữ được sắc xanh như LAF, BAF, SAB, VNM thì hầu hết cũng bị điều chỉnh mạnh: DBC giảm 5%; DAT giảm 5%; NAF giảm 4,9%; ACL giảm 4,9%; HNG giảm 4,8%; CMX giảm 4,8%...

Thanh khoản duy trì mức khá cao, đạt xấp xỉ 485 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đạt 8.154,6 tỷ đồng. HNX có 48,3 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 679,4 tỷ đồng; UPCoM có 18,2 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 225,2 tỷ đồng. Như vậy, bên cạnh hoạt động chốt lời thì vẫn có một bộ phận nhà đầu tư tranh thủ nhịp điều chỉnh để "nhập hàng".

Trước đó, trong phiên 19/12, hầu hết các nhóm ngành đều đã thất bại trong việc giữ sắc xanh. Thêm việc lực bán gia tăng tại các nhóm trụ đỡ đã khiến thị trường bị bán ngược khi ngỡ như đã thành công chinh phục mốc kháng cự ở vùng 1.065 điểm. Đáng chú ý là đà mua ròng của khối ngoại đang có xu hướng giảm, chỉ còn đạt 109 tỷ đồng ở phiên hôm qua dù vẫn giữ đà 21 phiên mua ròng.

VN-Index trong phiên 19/12 đã hình thành mẫu nến giảm điểm, với thân dài và bóng trên trung bình, không có bóng dưới, và kết thúc ở ngưỡng điểm thấp nhất. Đã có lúc, thị trường tăng mạnh mẽ khi đạt ngưỡng 1.065,6 điểm nhưng rồi nhanh chóng quay đầu, rơi xuống dưới cả MA6. Chỉ số RSI có dấu hiệu suy yếu sau một thời gian đi ngang.

Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán DNSE, các yếu tố trên báo hiệu việc phiên sắp tới sẽ giảm điểm, ít nhất là trong đầu phiên với mức giảm mạnh, theo xu hướng kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.035 điểm. Các chuyên gia của DNSE khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi sát sao, đưa ra những quyết định kịp thời khi thị trường có dấu hiệu trở nên xấu hơn.