1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

VN hấp dẫn các tập đoàn kinh doanh khách sạn

Tờ USA Today mới đây đã đăng bài viết của tác giả Roger Yu về làn sóng các tập đoàn kinh doanh khách sạn lớn của châu Âu và Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Sáu năm sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, các tập đoàn kinh doanh khách sạn lớn của nước ngoài đã xây dựng hàng loạt khách sạn cao cấp tại nước này.

Năm ngoái, chuỗi khách sạn Hyatt mở khách sạn đầu tiên của mình tại TPHCM. Tập đoàn InterContinental cũng sẽ xây dựng khách sạn đầu tiên của mình tại Hà Nội vào năm 2007.

Với 9 khách sạn hiện có ở Việt Nam, Accor dự định sẽ mở thêm bốn khách sạn nữa vào năm 2008. Tập đoàn Starwood cũng đã đến Việt Nam vào năm 2003 với hai khách sạn Shereton. Marriot hiện cũng đã có hai khách sạn và tập đoàn Hilton hiện đang có một khách sạn tại Việt Nam.

Các con số thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2005, số lượng phòng khách sạn ở Việt Nam đã tăng 72%, lên tới 95.700 phòng.

Phần lớn các tập đoàn khách sạn lớn của phương Tây đều chọn hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM làm địa điểm đầu tư. Trong khi đó, tốc độ phát triển khách sạn các khu vực nghỉ mát ven biển có phần chậm hơn.

Chính mối quan hệ kinh tế ngày càng được tăng cường giữa các nước phương Tây và các đối tác châu Á đã khiến nhu cầu sử dụng khách sạn cao cấp bùng nổ. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 2,5 triệu.

Tỷ lệ sử dụng phòng tại bốn khách sạn của tập đoàn Accor tại Hà Nội và TPHCM trong năm nay là 80%. Phần lớn khách đặt chỗ là các thương nhân đến từ các nước châu Á.

Một người làm công tác quản lý tại Accor cho biết: “Trong hai năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của tỷ lệ sử dụng phòng ở Việt Nam cao hơn tại bất kỳ một nước châu Á nào khác. Thị trường khách sạn ở Việt Nam đang rất nóng”.

Các khách sạn tại Hà Nội có thể sẽ không có đủ phòng để đáp ứng nhu cầu của khách trong tháng 11 năm nay, thời điểm mà Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra ở đây với sự tham dự của hàng ngàn nhà ngoại giao, nhà báo và các thương nhân.

Ở Mỹ, Accor nổi tiếng với các chuỗi khách sạn Sofitel, Motel 6 và Red Roof Inn. Khách sạn Sofitel Metropole của tập đoàn này ở Hà Nội chính là nơi mà Graham Greene đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, cuốn “Người Mỹ trầm lặng”.

Starwood, Hyatt và InterContinental cho biết họ đang trong quá trình đàm phán để xây dựng thêm nhiều khách sạn ở Việt Nam. Những vị trí mà các tập đoàn này quan tâm là các khu vực nghỉ mát ven biển như Đà Nẵng và Nha Trang cũng như các điểm thu hút nhiều khách du lịch như Huế và Hội An.

Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn tại khu vực châu Á. Nhiều hãng hàng không của châu Âu và Mỹ đã mở đường bay đến nước này.

Số lượng du khách châu Âu và châu Á vẫn chiếm đa số trong lượng du khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, lượng du khách từ Mỹ, chủ yếu là cựu chiến binh, Việt kiều và du khách bãi biển, cũng đang tăng lên một cách đáng kể.

Ngoài các khách sạn Shereton đã xây dựng ở Hà Nội và TPHCM, Starwood cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm một số khách sạn nữa. Tập đoàn này coi Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu của mình tại khu vực châu Á.

Cuối năm tới, InterContinental sẽ mở khách sạn đầu tiên của mình tại Hà Nội. Tập đoàn này cũng đang đàm phán để giành được thêm một số hợp đồng quản lý khách sạn tại Việt Nam.

Theo VnEconomy/USA Today

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm