Vinhomes tăng hơn 22.000 tỷ đồng vốn hóa sau khi công bố thương vụ lịch sử
(Dân trí) - VHM suýt soát về mốc 40.000 đồng, vốn hóa thị trường đã vượt qua Hòa Phát, Vinamilk và Techcombank.
Áp lực bán mạnh hơn, nhiều cổ phiếu quay đầu giảm
Phiên chiều, áp lực bán ra mạnh hơn khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm giá. VIC giảm 0,7% còn 41.550 đồng trong khi VHM thu hẹp đáng kể mức tăng, chỉ còn nhích nhẹ 0,1% lên 39.800 đồng.
Dù vậy, điều này không ảnh hưởng đến vị trí của Vingroup và Vinhomes trong top 10 vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến hiện tại.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes đang có chuỗi tăng tích cực, tăng hơn 5% trong một tuần và tăng hơn 14% kể từ thời điểm thông báo sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu VHM, chiếm 8,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty, theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nói về mục đích mua lại, Vinhomes cho hay, thị giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty, việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.
Nếu thành công, công ty trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ ghi nhận thương vụ lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Việc mua lại 370 triệu cổ phiếu sẽ khiến vốn điều lệ của Vinhomes giảm 3.700 tỷ đồng, đồng thời số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm tương ứng, giúp lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng lên.
Tính từ thời điểm công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu đến nay, giá trị vốn hóa thị trường của Vinhomes cũng hồi phục mạnh, tăng 22.772 tỷ đồng.
Kết phiên hôm nay, có tổng cộng 228 mã giảm so với 171 mã tăng trên sàn HoSE. Theo đó, VN-Index điều chỉnh 1,27 điểm tương ứng 0,1% còn 1.282,78 điểm. HNX-Index tuy nhích nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,02% nhưng HNX "xanh vỏ đỏ lòng", có 82 mã giảm và 67 mã tăng giá. UPCoM-Index giảm 0,02 điểm tương ứng 0,02% với 128 mã giảm, 141 mã tăng.
Ngoài việc phần lớn cổ phiếu đảo chiều, chỉ số còn mất đi sự ủng hộ của VCB khi mã này điều chỉnh nhẹ 0,4%. BID cũng giảm 0,6%. Trong khi đó, những cổ phiếu khác như SSB tăng 4,8%; TCB tăng 1,6%; CTG tăng 1,2% mặc dù hỗ trợ VN-Index nhưng tác động không đủ lớn.
Áp lực chốt lời tại cổ phiếu bất động sản mạnh hơn ở phiên chiều khiến QCG giảm sâu hơn, mất 3,1%; SCR, NTL, KHG, HPX, DXS cùng giảm giá. Ngược lại, NVL vẫn tăng 2,4% với khớp lệnh 23,8 triệu cổ phiếu; ITA tăng 6,1%. VRE tăng 4,2% và khớp lệnh hơn 22 triệu đơn vị.
Thanh khoản phiên hôm nay co hẹp đáng kể so với hôm qua, đạt 687,36 triệu cổ phiếu tương ứng 15.606,68 tỷ đồng trên HoSE và 59,03 triệu cổ phiếu tương ứng 1.071,88 tỷ đồng trên HNX. UPCoM có 31,67 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 529,56 tỷ đồng.
Phiên sáng: VHM lấy lại mốc 40.000 đồng
Thị trường giằng co khá căng thẳng trong phiên sáng nay (22/8). Các chỉ số dao động với biên hẹp quanh vùng tham chiếu.
VN-Index tạm thời tăng nhẹ 0,72 điểm tương ứng 0,06% lên 1.284,77 điểm; VN30-Index tăng 3,8 điểm tương ứng 0,29%. HNX-Index giảm nhẹ 0,28 điểm tương ứng 0,12% và UPCoM-Index cũng điều chỉnh 0,04 điểm tương ứng 0,05%.
Thanh khoản đạt 321,98 triệu cổ phiếu tương ứng 7.124,49 tỷ đồng trên sàn HoSE và 21,89 triệu cổ phiếu tương ứng 467,14 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 17,87 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 284,11 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (larger cap) đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chỉ số tăng. Có 12 mã trong rổ VN30 tăng giá nhưng chỉ số rổ này vẫn tăng gần 4 điểm.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu "họ" Vingroup đều tăng giá. VRE tăng giá mạnh 5,3% lên 19.900 đồng, khớp lệnh đạt hơn 17 triệu đơn vị. VIC tăng 0,6% lên 42.100 đồng và VHM tăng 0,6% lên 40.000 đồng.
Với mức thị giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Vinhomes đạt 171.562 tỷ đồng, vượt qua Hòa Phát, Vinamilk và Techcombank. Đồng thời, Vingroup có vốn hóa 155.125 tỷ đồng, cũng đã về lại top 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ đáng kể bởi một số mã ngân hàng: SSB tăng 3,5%; TCB tăng 2,5%; VIB tăng 1,4%; CTG tăng 0,9%, TPB, SHB và VPB cùng tăng giá.
Nhiều cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng tăng nhưng mức tăng không lớn. TVS tăng 2,6%; BSI tăng 1,4%; VDS tăng 1,2%; VND tăng 1%; FTS, CTS, TCI, APG đều tạm dừng ở mức giá xanh.
Ngành bất động sản phân hóa. Bên cạnh nhóm Vingroup thì DTA tăng trần, SGR tăng 4,4%; NVL tăng 2,4%; PDR tăng 2,1%; HDG, TDC, DIG, AGG, DXS tăng. Chiều ngược lại, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm 2,7%; TEG giảm 2%; SZL giảm 1,9%; CRE, SIP, TCH, NBB, TDH giảm.
Ngành bán lẻ, ngoại trừ COM tăng trần thì hầu hết điều chỉnh giá. MWG, FRT, DGW, PET đều giảm, nhưng mức giảm nhẹ.
Về mặt kỹ thuật thì vùng cản 1.275 điểm vẫn đang gây áp lực kìm hãm đà tăng của thị trường, vì vậy giới phân tích cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục tranh chấp mạnh tại vùng này và có thể lùi bước.
Tuy nhiên, thị trường sẽ có trạng thái phân hóa mạnh với một số nhóm cổ phiếu có thể duy trì diễn biến tăng giá. Nhà đầu tư được khuyến nghị chậm lại để quan sát cung cầu và có thể cân nhắc những đợt điều chỉnh để mua ngắn hạn tại các cổ phiếu có nền hỗ trợ tốt. Đồng thời, hạn chế mua đuổi theo giá đã tăng cao và cân nhắc vùng giá tốt để chốt lời ngắn hạn.