Vincom “đâm đơn” kiện Vincon

(Dân trí) - Chiều 23/11, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom Lê Khắc Hiệp cho biết, Vincom đã chính thức gửi đơn lên TAND TP Hà Nội để khởi kiện Công ty CP Tài chính và Bất động sản Vincon vi phạm luật Sở hữu trí tuệ.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, nhiều lần Vincom đã gửi công văn đến Vincon cảnh báo công ty này đang vi phạm luật Sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của Vincom (trụ sở tại 191, Bà Triệu, Hà Nội), tuy nhiên những công văn phúc đáp của phía Vincon là chưa thỏa đáng, không thuyết phục thậm chí “cù nhầy”. Vì vậy Vincom phải khởi kiện công ty này ra tòa để giải quyết dứt điểm vụ việc.
 
Ông Hiệp cũng khẳng định, Vincom cũng đã gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ KHCN vì cho rằng Vincon vì những lí do vi phạm đến quyền Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và tên thương mại của mình.
 
Theo Vincom, nguyên nhân khiến doanh nghiệp này phải khởi kiện Vincon là do tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincon tương tự với tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincom đã được đăng ký trước và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực bất động sản”.
 
Việc đặt tên nhãn hiệu và tên thương mại Vincon đã gây ra sự nhầm lẫn nhãn hiệu và tên thương mại của Vincom đối với công chúng; từ đó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới uy tín thương hiệu, hình ảnh và uy tín của Vincom.
 
Căn cứ theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ… Công ty CP Vincom cho rằng, trong trường hợp này, nhãn hiệu Vincon bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Vincom đang được bảo hộ.
 
Trả lời báo chí về khả năng sự nhầm lần  giữa Vincom và Vincon, ông Phạm Hồng Quất, phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, tên doanh nghiệp sử dụng bị trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, là vi phạm. Trong trường hợp này, người ta có thể lạm dụng uy tín của thương hiệu Vincom hoặc có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Vincom. Cả hai trường hợp đó đều có thể bị xử lý dưới dạng hành vi xâm phạm theo điều 129 Luật SHTT, hoặc dưới dạng cạnh tranh không lành mạnh theo điều 130 Luật SHTT.
 
Ông Quất cho biết thêm, nếu như khẳng định được hành vi xâm phạm cạnh tranh không lành mạnh như trên, Bộ sẽ tiến hành làm các thủ tục đình chỉ vi phạm và quyết định xử lý vi phạm và có thể sẽ đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả: Yêu cầu doanh nghiệp thay đổi tên gây nhầm lẫn; đồng thời gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi đăng ký kinh doanh, để chấm dứt, thay đổi tên vi phạm đó. Bản thân doanh nghiệp vi phạm cũng phải làm thủ tục đó.
 
H. Ngân