Vinasun thắng kiện Grab: Không bất ngờ về phán quyết của tòa
(Dân trí) - Sau khi Tòa án nhân dân TPHCM tuyên án Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng thì luật sư Trương Anh Tú đã có những phân tích “nóng” dành cho báo Dân trí.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ông không bất ngờ về phán quyết của Hội đồng xét xử ngày hôm nay. Chuyện Grab bồi thường bao nhiêu cho Vinasun không quan trọng bằng việc Hội đồng xét xử đã định vị được Grab đã vi phạm pháp luật.
Hoạt động của Grab là hoạt động vận tải hành khách thông thường, không phải là hoạt động của một công ty công nghệ và hãng này đã vi phạm đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
“Đây là vụ án “đặc biệt” và có tín hiệu rất tích cực, khi mà một doanh nghiệp bị phương hại một cách gián tiếp đã tìm đến pháp luật bằng con đường khởi kiện và chiến thắng trong sự việc này. Nó phản ánh thời đại mọi người, mọi tổ chức, doanh nghiệp sống và làm việc theo pháp luật. Chúng ta đang tiến một “bước dài” về xây dựng một Nhà nước pháp quyền mà ở đó các doanh nghiệp được kinh doanh bình đẳng, đúng pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Trương Anh Tú nói.
Theo luật sư Trương Anh Tú, hãng taxi Vinasun chính là “người hùng” của taxi truyền thống khi mà hãng này đã một mình xông pha lên để đấu tranh với Grab để bảo vệ quyền sống, quyền tồn tại của tất cả các hãng taxi tại Việt Nam và ông đánh giá cao sự quả cảm của Vinasun trong vụ án này.
“Họ đi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phải vì mục đích kiếm tiền từ Grab mà họ muốn chứng minh Grab đang làm những việc sai trái và hoạt động vi phạm pháp luật”, luật sư Tú chia sẻ.
Luật sư Trương Anh Tú cũng đã đưa ra so sánh khá chi tiết giữa taxi truyền thống và Grab.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, bảng so sánh nói trên chính là mấu chốt của cuộc xung đột hiện nay giữa taxi truyền thống và những công ty kinh doanh theo hình thức mới.
“Bản chất của hoạt động kinh doanh của họ là gì, họ cung cấp giải pháp công nghệ - dịch vụ kết nối giữa khách hàng và taxi hay kinh doanh vận tải hành khách. Nếu là cung cấp giải pháp công nghệ thì họ được tiếp tục hoạt động theo cách mà họ đang làm thời gian qua. Nhưng nếu xác định họ là hãng kinh doanh vận tải hành khách thì phải tuân thủ các điều kiện và nghĩa vụ của một công ty vận tải hành khách. Khi đó, họ bị hạn chế số lượng xe, phải Lắp đặt giám sát hành trình, đồng hồ, sơn xe, thực hiện đầy đủ quy định của nhà nước cho người lao động như BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, các loại bảo hiểm tính mạng, bảo hiểm vật chất…”, luật sư Tú phân tích.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, thực tế, phương thức hoạt động của các hãng taxi công nghệ hiện nay thông qua ứng dụng (App – tương tự tổng đài) cài đặt sẵn thì người dùng có quyền đặt chuyến xe từ điểm đón, điểm đến, ấn định mức giá vận tải.
Như vậy, dịch vụ vận tải bao gồm những công đoạn, tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán.
Những hoạt động nói trên có thể xác định là những hợp đồng của các công ty này với hành khách, tại Quyết định 24 Bộ GTVT cũng đã định vị hoạt động của các công ty theo hình thức mới này là “hợp đồng điện tử” và đây là hoạt động vận tải hành khách vì trên thực tế bên cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đã quyết định giá cước, được hành khách chấp thuận nên được xác định là một sự thoả thuận ý chí, hay nói cách khác đó chính là việc giao kết hợp đồng.
Đại Việt – Công Quang