1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Mùa báo cáo tài chính quý 4/2020:

Vinasun báo lỗ lần đầu tiên trong lịch sử, gần 1.400 nhân viên mất việc

Mai Chi

(Dân trí) - Những năm trước, tuy lao đao vì cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ nhưng Vinasun vẫn có lãi. Đến 2020, "ông lớn" này đã phải ghi nhận thua lỗ do Covid-19, lượng nhân viên giảm gần 1.400 người.

Vinasun báo lỗ lần đầu tiên trong lịch sử, gần 1.400 nhân viên mất việc - 1

Năm 2020 là năm đầu tiên trong lịch sử niêm yết của Vinasun, công ty này báo lỗ (ảnh: VNS)

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 với kết quả đi xuống… về mọi mặt.

Theo đó, các chỉ tiêu kinh doanh trong kỳ vừa rồi của Vinasun đều thụt lùi so với quý 4/2019. Doanh thu thuần đạt hơn 262 tỷ đồng, bằng chưa tới 60% cùng kỳ.

Giá vốn tuy giảm nhưng vẫn chiếm tỉ trọng lớn, tương đương với gần 98% doanh thu thuần nên khoản lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Vinasun chỉ còn vỏn vẹn 5,5 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ.

Tất nhiên, số thu ít ỏi này sẽ không thể "gồng gánh" được những khoản chi phí hoạt động của Vinasun.

Riêng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ của Vinasun đã lần lượt ở mức 22,3 tỷ đồng và trên 21 tỷ đồng. Các khoản chi này đã được tiết giảm đáng kể so với cùng kỳ, giảm 40% và 44%.

Chưa kể, khoản chi phí tài chính (hầu hết là chi phí lãi vay) hơn 7 tỷ đồng, giảm khoảng 2,6 tỷ đồng so cùng kỳ nhưng vẫn vượt xa doanh thu hoạt động tài chính chưa tới 1,3 tỷ đồng.

Kết quả, Vinasun ghi nhận lỗ 50,6 tỷ đồng từ hoạt đồng kinh doanh (cùng kỳ mức lỗ chỉ là hơn 250 triệu đồng). Nhờ có khoản lợi nhuận khác trị giá 24,8 tỷ đồng nên lỗ trước thuế của Vinasun thu hẹp còn 25,8 tỷ đồng (quý 4/2019, hãng xe này vẫn có lãi hơn 21 tỷ đồng). Lỗ sau thuế trong quý 4 là 25,3 tỷ đồng, trong đó khoản lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 24,4 tỷ đồng.

Như vậy, cả 4 quý hoạt động của Vinasun trong năm 2020, "ông lớn" này đều thua lỗ. Điểm tích cực là so với quý 2, quý 3/2020, mức lỗ có phần "nhẹ" hơn. Trong quý 2 và quý 3/2020, hãng taxi này lỗ sau thuế lần lượt 111,3 tỷ đồng và 57,1 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình nguyên nhân lợi nhuận quý 4/2020 suy giảm 273,6% so với cùng kỳ, lãnh đạo Vinasun - ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc công ty này chỉ nêu ngắn gọn: "Do bị ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 làm cho doanh thu dịch vụ taxi quý 4/2020 sụt giảm mạnh".

Lũy kế cả năm 2020, Vinasun đạt 1.006 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm phân nửa so với cùng kỳ, thua lỗ hợp nhất trên 210 tỷ đồng và lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 207 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử niêm yết của Vinasun, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.

Vinasun báo lỗ lần đầu tiên trong lịch sử, gần 1.400 nhân viên mất việc - 2

Những năm trước, tuy lao đao vì sự cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ nhưng Vinasun vẫn có lãi. Ngay cả năm 2017, tuy kết quả kinh doanh lao dốc rất mạnh nhưng hãng xe vẫn có lãi 191 tỷ đồng trước khi suy giảm thêm, xuống mức 89 tỷ đồng vào năm 2018.

Trước đó, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Vinasun đã lên kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng và doanh thu ở mức 1.230 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Vinasun cũng chỉ ra rằng, trong năm 2020, số lượng nhân viên của doanh nghiệp đã giảm rất mạnh. Tại thời điểm 31/12/2020, số lượng nhân viên Vinasun là 4.398 người, giảm tới 1.392 người so với cuối năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNS gây bất ngờ khi vẫn "chịu sốc" rất tốt dù thị trường bị bán tháo mạnh mẽ. Thậm chí trong phiên giao dịch 26/1, VN-Index có lúc bị "thổi bay" hơn 40 điểm, nhiều cổ phiếu giảm sàn thì VNS vẫn tăng 1,42% lên 10.700 đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm