Vinashin bàn giao cảng Chân Mây cho TT-Huế

(Dân trí) - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa bàn giao cảng Chân Mây lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế để "tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô", "phát huy lợi thế du lịch biển".

Phát biểu tại lễ bàn giao ngày 30/6, ông Nguyễn Hữu Thọ, GĐ Cty TNHH Một thành viên Cảng Chân Mây cho biết: “Hiện nay do nhu cầu phát triển của địa phương, đặc biệt là sau khi có kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, để phù hợp với sự phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn mới, tỉnh TT-Huế xin chuyển nhận lại cảng Chân Mây. TT-Huế sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô cảng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà, nhất là phát huy được lợi thế phát triển du lịch đường biển, vận chuyển hàng hoá”.
 
Vinashin bàn giao cảng Chân Mây cho TT-Huế - 1

Cảng Chân Mây được UBND tỉnh TT-Huế bàn giao cho Tập đoàn Vinashin quản lý vào năm 2007.
 
Hiện cảng Chân Mây có Bến số 1 với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn; Bến chuyên dùng cho tàu có trọng tải 20.000DWT để xếp dỡ các cấu kiện siêu trường, siêu trọng; thiết bị cẩu bờ di động Gottwald làm hàng đa năng như container, hàng siêu trường, siêu trọng, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời như than cám, cát silic, titan, clinker,...với năng suất cao, có thể đạt 10.000 T/24 giờ.

Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cảng là cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.

Theo quy hoạch đến năm 2025 của tỉnh TT-Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (có cảng nước sâu Chân Mây) với diện tích 27.108 ha được quy hoạch thành đô thị cảng, là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đại Dương