Vinalines loay hoay với bộ máy cồng kềnh 81 doanh nghiệp

(Dân trí) - Đến hết năm 2015, Vinalines được giao phải rút số doanh nghiệp đang còn sở hữu vốn xuống còn 36 đơn vị, thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, "ông lớn" này vẫn đang loay hoay với số lượng 81, bao gồm cả bất động sản và chứng khoán.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 184/2013/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), trong đó nêu rõ, một trong những mục tiêu quan trọng của Vinalines là phải kinh doanh có lãi bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và hoàn thành các nhiệm vụ do Nhà nước giao, trong đó có chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Một mục tiêu khác cũng không kém phần quan trọng là tối đa hóa được hiệu quả sản xuất, kinh doanh tổ hợp công ty mẹ-công ty con; trở thành một doanh nghiệp mạnh, đủ năng lực tham gia và hội nhập với khu vực và thế giới.

Việc thoái vốn của Vinalines không dễ dàng giữa bối cảnh thị trường đang ảm đạm.
Việc thoái vốn của Vinalines không dễ dàng giữa bối cảnh thị trường đang ảm đạm.

Còn đọng vốn tại bất động sản và chứng khoán

Ngành, nghề kinh doanh chính của Vinalines được bó gọn lại trong 3 nhóm: Một là kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy, đường bộ, đa phương thức; hai là khai thác cảng biển, cảng sông; và cuối cùng là kinh doanh kho, bãi, dịch vụ logistics; đại lý môi giới cung ứng dịch vụ hàng hải; cung ứng tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển, tàu sông, đưa đón thuyền viên và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đường thủy.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 


Đáng chú ý là Nghị định kèm theo phụ lục, cho thấy, tại ngày 15/11, Vinalines vẫn còn 11 đơn vị trực thuộc; 35 công ty con và 35 công ty liên kết. Trong số này, có những doanh nghiệp như CTCP Bất động sản Vinalines, CTCP Chứng khoán Thủ Đô là những doanh nghiệp liên kết mà Vinalines sở hữu 20-50%.

Trước đó, trong đề án Tái cơ cấu Vinalines, Thủ tướng đã yêu cầu, Vinalines phải thoái vốn góp đã đầu tư tại 37 doanh nghiệp trong giai đoạn 2012 - 2015; sáp nhập Công ty Thương mại xăng dầu đường biển và Công ty Kinh doanh xăng dầu Vianlines phía Bắc, thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty không nắm giữ cổ phần.

Ngoài ra, sẽ thực hiện giải thể Chi nhánh Vinalines tại thành phố Cần Thơ và Liên doanh Trung tâm Nhân lực hàng hải Đông Nam Á (Vina-STC); cho phá sản Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon).

Cuối cùng, theo Đề án tái cơ cấu, Vinalines sẽ còn lại 2 doanh nghiệp do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, 9 doanh nghiệp cổ phần do Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ, 7 doanh nghiệp cổ phần do Vinalines nắm giữ trên 50 - 65% vốn điều lệ, 14 doanh nghiệp do Công ty mẹ nắm giữ từ trên 50 - 65% vốn điều lệ và có 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Như vậy, để giảm còn tổng cộng 36 doanh nghiệp (bao gồm cả công ty trực thuộc, công ty con và công ty liên kết) trước khi kết thúc năm 2015 thì trong vòng 1 năm, Vinalines sẽ phải "xử lý" cổ phần tại 45 doanh nghiệp trong số 81 doanh nghiệp hiện tại. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc bán cổ phần mà không để thất thoát vốn Nhà nước là cả một nhiệm vụ đầy nan giải với Vinalines.

Bộ Giao thông Vận tải được phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài

Vốn điều lệ của Vinalines tính đến ngày 13/9/2013 là 10.693 tỷ đồng với chủ sở hữu là Nhà nước, trong đó, Bộ Giao thông vận tải được phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước tại Vinalines.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ có quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và bộ phận kiểm soát viên, đồng thời trả lương cho Kiểm soát viên ở Vinalines.

Ngoài ra, việc phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản và các giao dịch có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của Vinalines hay phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của Vinalines và đề nghị Bộ tài chính thẩm định, chấp thuận - các công việc này đều nằm trong thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Là doanh nghiệp Nhà nước có vai trò quan trọng, Vinalines đồng thời được hưởng những quyền lợi lớn về tài chính. Chẳng hạn như, được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước..., được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư, tái đầu tư; được bảo lãnh, thế chấp và tín chấp cho công ty con vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, về vốn và tài sản, Vinalines có nghĩa vụ phải bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn tự huy động; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác.

Trong kinh doanh, Vinalines phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc sử dụng vốn đề đầu tư thành lập doanh nghiệp khác hoặc đầu tư vào doanh nghiệp khác; chịu sự giám sát của Nhà nước trong thực hiện các quy định về thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương với người lao động và với các cấp lãnh đạo Vinalines.

Để lỗ, sếp bị giảm lương, cách chức!

Hội đồng thành viên của Vinalines có 5 thành viên, trong đó có thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên Vinalines không quá 5 năm, thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại.

Cũng như tại một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lớn khác, thành viên Hội đồng thành viên Vinalines sẽ bị miễn nhiệm khi không trung thực trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; chiếm đoạt cơ hội kinh doanh và làm thiệt hại lợi ích của Vinalines.

Bên cạnh đó, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, để Vinalines lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã được giao trong 2 năm liên tiếp hoặc trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được... thì Thành viên HĐTV của Vinalines cũng "mất ghế".

Ngoài ra, nếu để Vinalines lỗ, hoặc để mất vốn Nhà nước; hay quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; hay kể cả trong trường hợp không bảo đảm tiền lương và chế độ cho người lao động; để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, chế độ kế toán, kiểm toán (song chưa đến mức bị quy cứu trách nhiệm hình sự) thì Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và Tổng giám đốc Vinalines sẽ không được thưởng, không được nâng lương (có thể bị hạ lương, cách chức, bồi thường thiệt hại) và bị xử lý kỷ luật.


Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước