1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vinafood 2 lỗ luỹ kế vượt 1.100 tỷ đồng, xin cơ chế đặc biệt thu hồi công nợ

(Dân trí) - Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2015 của Vinafood 2 là 1.114 tỷ đồng, bằng 30,4% vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ 31 tỷ đồng trong năm 2015 sau khi lỗ 873 tỷ đồng trong năm trước đó.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Đã lỗ luỹ kế 1.114 tỷ đồng

Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) trong một báo cáo đánh giá tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016 gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2015, dù kế hoạch sẽ có lãi khoảng 345 tỷ đồng nhưng thực tế Vinafood 2 đã lỗ hơn 67 tỷ đồng.

Trong năm trước đó là năm 2014, Vinafood 2 cũng có khoản lỗ lên tới gần 890 tỷ đồng. Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ 31 tỷ đồng trong năm 2015 sau khi lỗ 873 tỷ đồng trong năm trước đó. Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2015 của Vinafood 2 là 1.114 tỷ đồng, bằng 30,4% vốn chủ sở hữu.

Vinafood 2 cho biết, trong số lỗ của hoạt động kinh doanh năm 2015 có các yếu tố khách quan và hệ luỵ của tồn tại cũ như: lãi phát sinh của số vốn từ nợ tồn đọng hơn 31 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá 132 tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố này thì kết quả kinh doanh có thể lãi khoảng 82 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ được lý giải là do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức trong đó nổi lên là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thuỷ sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng giảm. Thị trường kinh doanh xuất khẩu lương thực vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ngay từ quý I/2015 nhu cầu của các nước nhập khẩu giảm mạnh trong khi nguồn cung dư thừa do tồn kho của Thái Lan nhiều cộng thêm động thái sẵn sàng xả hàng để giải phóng lượng hàng tồn kho đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Vinafood 2, trong khi đó, Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu thông qua các điều kiện hạn ngạch nhập khẩu và kiểm soát mua bán không chính thức qua biên giới cũng tác động rất lớn đến thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Thị trường rất trầm lắng, hầu như không có giao dịch nào đáng kể.

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2015, thị trường lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL rất ít giao dịch và có chiều hướng giảm do thị trường xuất khẩu giảm, nhu cầu người mua thấp và đặc biệt là thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc khiến lượng xuất khẩu cả nước giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2014 dẫn đến giá lúa gạo trong nước giảm. Tuy nhiên, việc trúng thầu các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines và ký hợp đồng xuất khẩu sang Malaysia đã có tác động tích cực trong việc giữ giá lúa, gạo ở mức ổn định và góp phần tiêu thụ.

Xin cơ chế đặc thù thu hồi công nợ

Báo cáo cũng cho biết, Tổng công ty đã “xin” Chính phủ có cơ chế đặc thù với Tổng công ty về xử lý nợ phải thu khó đòi tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH Một thành viên Hoà Tân Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi, CTCP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum và CTCP Lương thực Hậu Giang.

Bên cạnh đó, xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý (đối với tài sản mới đầu tư và đưa vào sử dụng dưới 5 năm hoặc có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán dưới 50% nguyên giá tài sản).

Theo báo cáo, về tình hình thu hồi công nợ, tổng nợ tồn đọng phải thu hồi đến ngày 30/6/2015 là 657 tỷ đồng, đã dự phòng nợ phải thu là hơn 338 tỷ đồng. Trường hợp không thu hồi được công nợ trong năm 2015 cuối năm phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi bổ sung khoảng 112 tỷ đồng.

Đến thời điểm 25/6/2015, Công ty Lương thực Sóc Trăng đại diện Cho công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Lương thực Bạc Liêu tiếp tục ban hành công văn về việc yêu cầu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà cung cấp các giấy tờ bản chính (không chấp nhận bản photo) của các thửa đất tại Bình Dương cho Chi cục thi hành án Phú Nhuận để tiến hành xác minh kê biên.

Đối với công ty Lương thực Vĩnh Long, hiện công ty đã cử người ra quản lý tài sản tại kho New Hope của CTCP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum và tiến hành làm thủ tục thế chấp kho. Riêng kho Hoàng Diệu, đang chờ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất của UBND tỉnh Bình Phước.

Đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại Thôn Dục Nội (Ngọc Hồi, Kon Tum) công ty đang phối hợp với CTCP Thịnh Phát Kon Tum thực hiện các thủ tục đưa tài sản thế chấp gồm 16.000 m2 đất thẩm định lại giá trị làm cơ sở xác định giá tài sản khi đưa ra đấu giá.

Phần công nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã làm việc nhiều lần nhưng công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà vẫn có ý kiến chờ kết luận của công an.

Bộ phận pháp chế Tổng công ty tư vấn, hướng dẫn cho CTCP Lương thực Hậu Giang tiến hành một số biện pháp cần thiết để làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà và xem xét chuẩn bị hồ sơ khởi kiện theo quy định pháp luật.

Đáng lưu ý, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, hồi tháng 7/2016 vừa qua, thông tin trên Tuổi trẻ cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc công ty để điều tra hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Đặng Hồng Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Lương thực Hậu Giang và Huỳnh Văn Thông, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2 kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Lương thực Hậu Giang do hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phương Dung