1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vinacomin tái khẳng định bô-xít Tân Rai "không đáng lo ngại"

(Dân trí) - Vinacomin cho rằng, các đánh giá nói dự án bô xít Tân Rai không hiệu quả, thậm chí lỗ là do tính toán dựa trên những thông tin chưa chuẩn xác hoặc sai so với quy định hiện hành của Nhà nước.

Tổng mức đầu tư tăng gần 50 triệu USD do tăng nhiều loại chi phí.
Tổng mức đầu tư tăng gần 50 triệu USD do tăng nhiều loại chi phí.

Cuối quý II, sẽ đưa Tân Rai vào hoạt động

Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa đăng tải bài viết luận bàn về kết quả tính toán và tiềm năng nâng cao hiệu quả kinh tế dự án tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng (hay còn gọi là Dự án Alumin Tân Rai).

Dự án có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Vinacomin cho biết, đến nay, toàn bộ tổ hợp đã hoàn thành đi vào hoạt động, riêng nhà máy alumin đang trong quá trình chạy thử, dự kiến cuối quý II/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất. 

Đến 4/2013, Tổ hợp đã sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bô xít, 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrate (là sản phẩm đưa vào nung để ra alumin). Trong khi đó, về giá trị thực hiện đầu tư, tổng giá trị đã thực hiện đạt khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân đạt khoảng 11.125 tỷ đồng.

Vinacomin cho biết đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumina với 2 công ty của Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra các công ty của Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Chalco Trading (Trung Quốc), Anh, Malaysia...cũng quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam. 

Ngày 25/5, lô hàng alumin đầu tiên đã được xuất với khối lượng đạt 15.000 tấn cho khách hàng Thụy Sĩ. 

“Có thể nói việc tiêu thụ sản phẩm alumin hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo ngại như dư luận lên tiếng” – đại diện Vinacomin nhấn mạnh.

Theo kết quả tính toán cập nhật mới nhất, tổng mức đầu tư điều chỉnh (tháng 3/2013) là 15.117,8 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với tổng mức đầu tư được duyệt hồi tháng 9/2009. Nếu tính theo USD thì đã điều chỉnh 719,9 triệu USD (tỉ giá 21.000đ/USD), chênh lệch  là 49,5 triệu USD, tương đương tăng 7,38% so với mức được duyệt năm 2009. 

Phía Vinacomin giải thích do tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tỷ giá tăng, lãi vay tăng, trượt giá... “Kết quả tính toán lại cho thấy dự án vẫn có hiệu quả tuy có thấp hơn kết quả tính toán hồi tháng 9/2009, thời gian hoàn vốn là 12 năm” – theo Vinacomin.

Việc tiêu thụ alumin không đáng lo ngại.
Việc tiêu thụ alumin không đáng lo ngại.

“Chi phí thực tế thấp hơn hàng chục triệu USD”

Trong thông tin lần này, Vinacomin cũng lật lại nghi vấn cho rằng “Dự án không những không có hiệu quả mà bị lỗ lớn, lên tới hàng chục, thậm chí đến trăm triệu USD mỗi năm”.

Vị đại diện của Tập đoàn này đưa ra đánh giá, nguyên nhân dẫn đến nhận định dự án bô xít không hiệu quả là do “người ta tính toán dựa trên những thông tin chưa chuẩn xác hoặc sai so với quy định hiện hành của Nhà nước”.

Theo đó, thứ nhất, Vinacomin phản bác ý kiến Dự án alumin bị lỗ nên Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu alumin từ 20% xuống 0% là không đúng vì mức thuế 20% vốn dĩ là áp cho quặng nhôm chứ không phải sản phẩm alumin.

Với việc áp mức thuế xuất khẩu 20% nên Vinacomin cho rằng, nếu tính toán với mức giá alumin hiện hành thì chi phí thuế xuất khẩu tính vào dự án sẽ bị dôi thêm khoảng 65 USD/tấn, tương đương 42 triệu USD/năm.

Kế đến, Vinacomin lập luận, tính thuế tài nguyên phải áp cho quặng bô xít chứ không phải cho alumin. Nếu thuế tài nguyên được tính cho alumin thì chi phí thuế sẽ vào khoảng 25,4 triệu USD/năm, còn nếu tính đúng cho quặng bô xít thì phải là 2,86 triệu USD/năm.

Qua đó cho thấy người ta tính thuế tài nguyên cho Dự án quá mức quy định khoảng 22,5 triệu USD – đại diện Vinacomin cho hay.

Ngoài ra, vị đại diện này còn cho rằng, còn có nhiều tiềm năng nâng cao hiệu quả dự án, nhất là về giá bán alumin. 

Cụ thể, trong quá khứ, đã có lúc giá alumin đạt trên 500 USD/tấn. Khi kinh tế phục hồi (và nhất định sẽ là như vậy) thì giá alumin chắc chắn sẽ tăng lên. Theo dự báo của một số tổ chức chuyên ngành thì giá alumin giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tăng lên đến 448 USD/tấn; bình quân cả giai đoạn 379USD/tấn, không kể yếu tố tăng giá do lạm phát.

Một số yếu tố khác được đại diện Vinacomin dẫn ra: sẽ giảm chi phí khấu hao và các chi phí cố định trên 1 tấn alumin; giảm chi phí do tăng hệ số thu hồi quặng tinh của nhà máy tuyển; tiết kiệm các chi phí sản xuất và quản lý; giảm chi phí vận tải, chi phí đóng bao… Qua đó, Vinacomin khẳng định, tiềm năng để nâng cao hiệu quả kinh tế của Dự án alumin Tân Rai bao gồm tiềm năng trong ngắn hạn và trong dài hạn là rất lớn. Dự án chắc chắn có hiệu quả kinh tế cao khi khai thác, phát huy được các tiềm năng nêu trên. 

Bích Diệp