Vụ kiện nhiên liệu:

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific liên tục “ra đòn”

(Dân trí) - Vụ lình xình giữa Jetstar Pacific và Vinapco với phán quyết bất lợi nghiêng về phía Vinapco khiến “ông lớn” trong thị trường hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines - phải lên tiếng. Một ngày sau đó, Jetstar Pacific có văn bản phản pháo.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific liên tục “ra đòn” - 1
Hai hãng hàng không tại sân bay.
 
Chuyện trên trời và... dưới đất
 
Vụ kiện khởi sự vào buổi sáng ngày 1/4/2008 khi Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) ngừng cung cấp xăng dầu cho máy bay của Jetstar Pacific. Hàng loạt máy bay của hãng này đành “dậm chân” dưới đất, kéo theo đó là hàng nghìn hành khách phải “nằm vạ vật” vì bị hủy chuyến.
 
Dư luận, báo chí lên tiếng quyết liệt trước sự việc chưa từng có tại Việt Nam. Jetstar Pacific quyết định đưa Vinapco lên Hội đồng cạnh tranh Quốc gia với lý do: hãng cung cấp xăng dầu hàng không đã lạm dụng vị thế độc quyền, vi phạm Luật cạnh tranh.
 
Một câu hỏi đặt ra, tại sao tranh chấp thương mại giữa hai hãng phải đặt lên bàn cân của Hội đồng cạnh tranh Quốc gia mà không phải một tòa án.
 
Trên thực tế, nếu giải quyết theo phương cách thứ hai, vấn đề sẽ trở nên “bất lợi” cho Jetstar Pacific bởi hãng bay này vẫn còn nợ tiền nhiên liệu của Vinapco. Mặt khác, thắng lợi nếu có thuộc về JP, cũng không thể trọn vẹn vì Vinapco vẫn một mình một chợ.
 
Quyết định đưa vấn đề ra Hội đồng cạnh tranh Quốc gia là sự lựa chọn sáng suốt. Kết quả là Vinapco đã bị phạt 3 tỉ đồng và kèm theo đó, Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã chấp thuận ý kiến của Jetstar, kiến nghị với các cơ quan liên quan để tách Vinapco khỏi Vietnam Airlines.
 
Có thể thấy, thiệt hại lớn nhất của Vinapco không chỉ là số tiền trên mà chính là nguy cơ bị cắt rời khỏi bầu sữa Vietnam Airlines, bị tước mất đi vị thế “một mình một chợ”, bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt từ những doanh nghiệp cung cấp xăng trong tương lai.
 
Trong trường hợp này, các hãng hàng không mong mỏi sẽ có thể được mua nhiên liệu với giá rẻ hơn và hành khách cũng có quyền hy vọng rằng sẽ được bay với giá vé rẻ hơn.
 
Vietnam Airlines cực lực phản đối…
 
Trong các cuộc trao đổi với Dân trí trước đây, ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Vinapco luôn khẳng định: được thành lập để phục vụ và đảm bảo hoạt động bay trên toàn bộ hệ thống sân bay dân dụng.
 
Vinapco được coi là doanh nghiệp “độc quyền” trên thị trường dịch vụ cung ứng xăng dầu hàng không tại các sân bay dân dụng Việt Nam thực chất là do yếu tố lịch sử, do quy mô và điều kiện thực tế của thị trường, nằm ngoài mong muốn và thẩm quyền quyết định của Vinapco cũng như Vietnam Airlines.
 
Bản thân Vinapco cũng là công ty 100% vốn nhà nước, có nghĩa vụ và quyền lợi phải kinh doanh có lãi và bảo toàn phần vốn nhà nước được giao, không thể để đối tác chiếm dụng trong khi vẫn phải tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho họ, đi ngược lại các điều khoản hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên.
 
Nếu không, việc này sẽ trở thành một tiền lệ xấu, vô hình chung bảo hộ và khuyến khích các doanh nghiệp nói chung và các hãng hàng không nói riêng cố tình chây ỳ, chiếm dụng vốn của đối tác…
 
Liên quan đến vụ tranh chấp giữa Vinapco và Jetstar Pacific, chiều 26/4, Vietnam Airlines có văn bản khẳng định, hãng bay này cực lực phản đối kiến nghị của Jetstar Pacific về việc tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines.
 
Theo lãnh đạo hãng bay này, kiến nghị kể trên không nhằm mục đích chống độc quyền trong lĩnh vực cung ứng xăng dầu hàng không tại Việt Nam, mà thực chất nhằm làm suy yếu Vietnam Airlines bằng cách phá vỡ, tách rời hệ thống cơ sở kỹ thuật, dịch vụ khép kín của Vietnam Airlines, cũng như cố tình tạo dư luận xấu khi lôi kéo Vietnam Airlines vào vụ kiện giữa Jetstar Pacific Airlines và Vinapco.
 
Theo hãng bay này, việc chống độc quyền không phải được đảm bảo bằng cách tách Vinapco (công ty con) khỏi Vietnam Airlines (công ty mẹ), mà cần cho phép thêm các doanh nghiệp khác tham gia cung ứng xăng dầu hàng không cùng với Vinapco.
 
Hơn nữa, kiến nghị tách Vinapco khỏi Vietnam Airlines chính là nhằm phá vỡ dây chuyền vận tải hàng không của hãng Hàng không Quốc gia, vốn được xây dựng để Vietnam Airlines tự tổ chức cung ứng dịch vụ kỹ thuật đồng bộ, không chỉ nhằm đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cho đất nước.
 
Jetstar Pacific "bật lại"
 
Ngày 27/4, Jetstar Pacific có văn bản “bật lại” Vietnam Airlines. Đại diện hãng bay giá rẻ khẳng định: “đây không phải là vụ “Jetstar Pacific kiện công ty xăng dầu hàng không Vinapco”.
 
Trên thực tế, đây là một vụ việc liên quan đến hoạt động ngăn ngừa độc quyền của Hội đồng cạnh tranh, và do Cục Cạnh Tranh quyết định tiến hành điều tra độc lập sau khi nhận thấy có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền, sau khi vụ việc được phản ánh rộng rãi trên báo chí. Jetstar Pacific tham gia vụ kiện này với tư cách là “bên có quyền và nghĩa vụ liên quan”, chứ không phải với tư cách nguyên đơn.
 
Theo Jetstar Pacific, việc Hội đồng cạnh tranh quyết định điều tra và xét xử vụ việc này như vụ việc đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến hành vi “lạm dụng vị thế độc quyền” cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp có thể cùng cạnh tranh và phát triển. Như các doanh nghiệp khác, JPA ủng hộ và tin tưởng ở những nỗ lực như vậy của Chính phủ.
 
"JPA không có các ý kiến nào khác, ngoài các ý kiến đã được trình bày trước Hội đồng cạnh tranh với tư cách là bên liên quan trong vụ kiện, và cho rằng, việc trình bày các ý kiến bên ngoài phiên xét xử của Hội đồng cạnh tranh là không phù hợp, do vậy, chúng tôi không thể binh luận gì đối với các câu hỏi hay yêu cầu liên quan đến vụ việc cũng như các ý kiến và phát ngôn của các bên khác nhau", Jetstar Pacific nhấn mạnh...
 
Phúc Hưng