1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vietnam Airlines quyết tâm bay thẳng tới Mỹ năm 2007

(Dân trí) - Trước thông tin tiến trình mở đường bay thẳng tới Mỹ của Vietnam Airlines (VNA) có khả năng bị “đứt gánh giữa đường”, Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc VNA xung quanh vấn đề này.

Ông Minh cho biết: Tôi chưa nghe bất cứ một thông tin nào việc chúng ta phải trì hoãn tiến trình khai thông đường bay thẳng nối Việt Nam với Mỹ. Tôi khẳng định, dự án mở đường bay sang Mỹ vẫn đúng tiến độ.

Trong quý 1 năm 2007, lãnh đạo VNA sẽ xem xét đồng thời có những điều chỉnh nằm trong thẩm quyền và báo cáo lên Chính phủ. Tuy nhiên, việc hiện thực hoá đường bay thẳng đến Mỹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng công ty.

Việc đáp ứng các yêu cầu về khai thác của Mỹ chúng tôi có thể hoàn thiện được, tất nhiên cần phải có thời gian. Tôi xin nhắc lại, về phía chủ quan của VNA, chúng tôi vẫn quyết tâm mở đường bay này vào cuối 2007.

Trên thực tế, VNA có gặp phải thử thách, khó khăn gì không trong tiến trình thực hiện mục tiêu này theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc mở đường bay thẳng này chậm nhất vào cuối năm 2007 không?

Thách thức của chúng tôi khi mở đường bay sang Mỹ chỉ nằm ở đúng một điểm, đó là cạnh tranh. Thực tế có 11, 12 hãng hàng không đang chuyên chở khách từ Mỹ đến VN phần lớn đều là nối dài đường bay từ căn cứ của mình tới VN.

Như United Airlines mở đường bay đến VN thực tế là nối dài đường bay của họ từ Hồng Kông thêm 2 tiếng nữa đến VN. Trong khi đó, chúng ta phải hình thành một đường bay thẳng từ VN đến Mỹ và chấp nhận cạnh tranh.

Theo tính toán của một số chuyên gia hàng không, đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ kinh tế nhất vẫn là đường vòng qua biển. Nếu như thế VNA ít nhất phải đạt chứng chỉ ETOP 180 mà từ bây giờ đến hết 2007 VNA không đủ thời gian hoàn thành chứng chỉ này. Vậy theo ông, VNA có chấp nhận bay vòng qua Canada để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng bằng mọi giá, chấp nhận lỗ hay không?

Việc mở đường bay đến Mỹ đúng là có yếu tố quy định kỹ thuật của các nhà chức trách liên quan đến máy bay 2 động cơ và chúng tôi dùng B777 là máy bay 2 động cơ bay xuyên Thái Bình Dương.

Yếu tố kỹ thuật bắt buộc là hệ thống kỹ thuật phải đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp chẳng may có một động cơ bị chết, máy bay với một động cơ phải bay đến được sân bay dự bị gần nhất và trên đường xuyên Thái Bình Dương, sân bay gần nhất quy định cách điểm bay xa nhất 180 phút gọi là ETOP 180.

Điểm xuất phát hiện nay của VNA là phải đi từ chứng chỉ ETOP 120. Sau một thời gian nhà chức trách sẽ kiểm tra lại cho từng bước và cấp chứng chỉ từ 120 lên 150, 180. Từ tháng 10/2006 chúng tôi đã đệ trình lên nhà chức trách ETOP 120 và chúng tôi cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện để áp dụng ETOP đó khi được phê chuẩn.

Với lộ trình ETOP 120 thì thông thường 12 tháng sau có thể đạt được ETOP 180. Về chủ quan VNA, chúng tôi tin chắc có thể vượt qua được. Những yếu tố thuộc về nhà chức trách lại nằm ngoài tấm kiểm soát của chúng tôi…

Phúc Hưng