1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng sau khi triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó với Covid-19, Vietnam Airlines cho biết mức lỗ này đã giảm 2.200 tỷ đồng so với ước tính hơn 15.000 tỷ đồng ban đầu.

Chiều 13/7, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tọa đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 trường hợp Vietnam Airlines”.

Tê liệt và đóng băng!

Số liệu từ Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) công bố cho thấy, doanh thu của các hãng hàng không thế giới dự kiến giảm 419 tỷ USD và lỗ khoảng 84 tỷ USD trong năm 2020, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương lỗ khoảng 29 tỷ USD. Tổng sản lượng của ngành hàng không trong tháng 4 giảm 94% so với cùng kỳ 2019, tháng 5 giảm 91,3% so với năm 2019.

Tại buổi tọa đàm, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - đã dùng 2 cụm từ ngắn gọn là “tê liệt” và “đóng băng” để nói về những khó khăn chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng không do tác động bởi Covid-19. Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ trên bầu trời Việt Nam lại ít máy bay đến vậy.

CEO Vietnam Airlines cho biết, tính đến tháng 5/2020, Covid-19 đã “đốt” gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hoá của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các Chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không.

Liên tục từ 2010 đến 2019, Vietnam Airlines liên tục tăng trưởng. Kết quả kinh doanh của năm 2019 thậm chí còn tốt nhất. Tuy nhiên, đến năm 2020, DN này dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng sau khi đã triển khai hàng loạt giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao cũng như chính sách thuế xăng dầu, giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng - 1
Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng trong năm 2020

Cũng theo ông Thành, Vietnam Airlines đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động); giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Đặc biệt, Vietnam Airlines đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

“Vietnam Airlines có trao đổi với chủ sở hữu là hãng ANA của Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn (ANA sở hữu 8,6% cổ phần Vietnam Airlines - PV), tuy nhiên ANA thậm chí còn khó khăn hơn. Họ cũng đang đi vay 10 tỷ USD cho hoạt động của chính mình và không thể có nguồn tiền tăng vốn và cho Vietnam Airlines vay được. Do đó Vietnam Airlines mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp” - ông Thành thông tin.

Liệu cơm, gắp mắm

Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng: Nhà nước không đủ tiền để cứu tất cả doanh nghiệp (DN). Do đó, phải chọn những DN để khi cứu doanh nghiệp đó cũng là cứu nền kinh tế.

“Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, đưa giải pháp đặc biệt rồi xong cũng phải trao “kiếm lệnh” để thực thi giải pháp bởi nếu không sẽ bị trói buộc bởi rất nhiều quy định có trước đó” - ông Thiên cho hay.

Kết luận buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đánh giá: “Chính phủ các nước đang phản ứng rất nhanh và có các biện pháp mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, còn chúng ta phải liệu cơm gắp mắm vì điều kiện của chúng ta có hạn”.

Theo ông Kiên, từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng đến nghị quyết 42 của Chính phủ, Quản lý Nhà nước đã hỗ trợ chung cho ngành hàng không như giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh, đề nghị Uỷ ban thường vụ quốc hội giảm thuế xăng dầu, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ cũng đã triển khai.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng những giải pháp càng nhanh càng tốt như tái cấp vốn, cho vay bắc cầu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc điều chuyển vốn sẽ giúp Vietnam Airlines khắc phục khó khăn tài chính đồng thời đề xuất hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu 1 cách phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như năng lực tài chính cho phù hợp.

“Tổ Tư vấn sẽ có có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nghiên cứu, xem xét các giải pháp khó khăn của SCIC khi đầu tư vốn vào Vietnam Airlines” - ông Kiên nói.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm