Vietnam Airlines đề nghị chuyển đổi VASCO thành công ty cổ phần

Theo tin từ Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) vừa có tờ trình về chuyển đổi Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), chi nhánh của Tổng công ty này thành công ty cổ phần.

Theo tờ trình trên, trong quá trình sắp xếp lại VASCO, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đề nghị tham gia với vai trò một bên góp vốn vào công ty này. VNA cho rằng, nếu chấp thuận đề nghị trên, VASCO sẽ được chuyển đổi thành một công ty cổ phần có mô hình hoạt động hiệu quả hơn, dễ huy động vốn cho đầu tư, phát triển và được quản trị chặt chẽ.

Do đó, VNA đề nghị thành lập Công ty cổ phần VASCO có qui mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng, do 3 cổ đông lớn góp vốn, gồm VNA (nắm giữ 51% cổ phần), 49% cổ phần còn lại thuộc về 2 đơn vị của Techcombank. VNA chỉ đóng góp bằng giá trị tài sản hiện có của VASCO như: kho phụ tùng vật tư cho đội bay này, động cơ dự phòng… Công ty TNHH MTV quản lý kỹ thương, Công ty Cổ phần phát triển dự án Techcomdeveloper, 2 đối tác còn lại sẽ góp bằng tiền.

VNA cho biết đã cùng các nhà đầu tư góp vốn tính toán, xây dựng phương án kinh doanh của công ty cổ phần VASCO để đảm bảo công ty này hoạt động có hiệu quả, cân đối và có lãi ngay từ năm đầu và mức lợi nhuận tăng dần trong các năm tiếp theo. Theo VNA hiệu quả hoạt động của cả công ty cho cả giai đoạn 2016-2018 sẽ đạt 1,949 tỉ đồng.


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Trong đề xuất của VNA với Bộ Giao thông Vận tải không nói đến việc tổ chức đấu thầu công khai, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể mua được cổ phần của công ty này này.

Trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc một Công ty hàng không trong nước cho rằng, với đề án này thì VASCO vẫn không thể coi như là một hãng hàng không mới.

“Theo tôi biết, VASCO vốn đã là hãng hàng không chung (General Aviation Operator), có giấy phép kinh doanh hàng không chung theo Nghị định 30/NĐ-CP của Chính phủ. Việc lập Công ty cổ phần này chỉ là chuyển đổi thành giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và là một hoạt động tái cơ cấu sở hữu ở VASCO thôi”, ông này cho biết.

Còn theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Tạp chí Khoa học Kinh tế, với phương án tỷ lệ cổ phần trên, rõ ràng, VNA vẫn nắm quyền chi phối VASCO.

“Nếu VNA còn nắm sở hữu chi phối ở VASCO giống như chiếm cổ phần chi phối ở Jestar Pacific (70%) như hiện nay thì thật khó gọi là hãng hàng không mới. Để thành lập một hãng hàng không mới thì phải tách VASCO riêng biệt khỏi VNA mới là đúng để tạo cơ chế cạnh tranh thị trường, giúp người dân có thêm sự lựa chọn điều kiện mà nhà nước thu được vốn”, ông Bình nêu quan điểm.

LS. Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA) cho biết, về nguyên tắc thì phải công khai, càng công khai minh bạch, càng nhiều người biết thì càng có cơ hội để bán được giá cao. Ông nói : ““Mục tiêu đặt ra là bán phần vốn nhà nước với giá cao, bán nhiều mang về tài sản cho nhà nước. Đương nhiên, công khai minh bạch càng nhiều thì càng lợi cho nhà nước”.

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư với dự định thành lập hãng hàng không mới nhưng không có tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm nên đa phần chết yểu hoặc ngừng hoạt động vô thời hạn như Indochina Airlines (đã phá sản), Trãi Thiên (phá sản), Air Mekong (ngừng bay), Blue Sky Air (ngừng hoạt động)…Trên thị trường vẫn chủ yếu là 2 hãng hàng không: VNA và Vietjet. Người dân dĩ nhiên mong muốn có thêm các hãng hàng không mới để tạo sự cạnh tranh với các hãng hàng không này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các bài viết sau.

Nguyên Vũ