Việt Nam xuất đi và nhập về những gì từ các nước EU?
(Dân trí) - Việt Nam xuất khẩu phần lớn là điện thoại, linh kiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang các nước EU, trong khi đó, nhập về chủ yếu là máy móc, dược phẩm...
Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Hải quan, hết năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 33,4 tỷ USD vào EU, các thị trường lớn nhất của hàng Việt là Hà Lan với kim ngạch 6,8 tỷ USD, Pháp 3,7 tỷ USD, Ý 3,4 tỷ USD, Đức 3,3 tỷ USD, Áo 3,2 tỷ USD và Tây Ban Nha là 2,7 tỷ USD…
Nước có lượng hàng Việt Nam vào ít nhất là Nauy với có kim ngạch 129 triệu USD.
Các mặt hàng xuất của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm máy móc, điện thoại và linh kiện với giá trị vượt trội.
Cụ thể, trong 3,36 tỷ USD giá trị hàng Việt xuất vào Đức, có đến 1,6 tỷ USD là mặt hàng điện thoại và 800 triệu USD hàng dệt may. Ở thị trường Hà Lan, trong 6,8 tỷ USD hàng Việt xuất sang xứ sở này, có đến 1,6 tỷ USD là mặt hàng vi tính, linh kiện.
Với thị trường Ý, Việt Nam cũng xuất 1,2 tỷ USD hàng điện thoại và linh kiện, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu vàng nước này.
Với Pháp, với 3,7 tỷ USD giá trị hàng Việt xuất sang nước này, có đến 1,2 tỷ USD là hàng điện thoại. Tổng lượng hàng điện thoại xuất khẩu sang các nước châu Âu chiếm từ 6 đến 8 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập về từ các nước EU trên 12 tỷ USD hàng hoá, trong đó chủ yếu là máy móc, dây cáp điện, dược.
Đức là nước mà Việt Nam nhập nhiều hàng hoá nhất với 3,6 tỷ USD, trong đó có 1,7 tỷ USD là hàng hoá máy móc, thiết bị. Ý là nước xuất khẩu hàng nhiều thứ 2 vào Việt Nam với 1,8 tỷ USD, Pháp đứng thứ 3 với 1,6 tỷ USD giá trị hàng xuất vào VIệt Nam.
Việt Nam nhập thuốc trị bệnh cho người lớn nhất ở Pháp và Bỉ với kim ngạch lần lượt là 410 và 147 triệu USD.
Trung bình các nước EU chỉ xuất từ 300 đến 800 triệu USD hàng hoá vào Việt Nam, con số khá khiêm tốn so với lợi thế của mình.
Một trong những lý do khiến hàng EU vào Việt Nam ít là bởi thuế đánh vào mặt hàng các nước khi vào Việt Nam (chưa có EVFTA) vẫn rất cao, từ trên 55% đến 75% theo mức thuế tối huệ quốc (MFN) dành cho các nước là thành viên WTO.
Bên cạnh đó, do địa lý xa xôi, những sản phẩm của EU như nông sản không có lợi thế ở Việt Nam, trong khi đó lợi thế lớn nhất của họ là máy móc, dây truyền thiết bị, công nghệ nhưng khi vào Việt Nam gặp hai vấn đề: giá cao và sở hữu trí tuệ.
Các mặt hàng các nước EU vào Việt Nam đòi hỏi yêu cầu khắt khe về bảo mật công nghệ, sở hữu trí tuệ, chính vì đó khiến giá cao hơn so với các sản phẩm công nghệ của các nước khác như Nhật, Hàn hay Trung Quốc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, những công nghệ đời đầu rất khó để có thể xuất vào các nước mà EU chưa ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư và cam kết tuân thủ sở hữu trí tuệ, sáng chế. Các sản phẩm có lợi thế chủ yếu là đã hết thời gian bảo vệ sở hữu trí tuệ, sản phẩm không thuộc vòng đời đầu.
Nguyễn Tuyền