Việt Nam vượt qua Singapore, Malaysia về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động
(Dân trí) - Xét về năng suất lao động, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 184% trong giai đoạn từ 1991 đến 2012, tốc độ phát triển này thậm chí còn cao hơn cả các quốc gia nổi tiếng về năng suất lao động như Singapore và Malaysia.
Báo cáo tầm nhìn kinh tế khu vực Đông Nam Á (Economic Insight: South East Asia) được thực hiện bởi Cebr, đối tác đồng thời là bộ phận dự báo kinh tế của ICAEW. Bản báo cáo cung cấp cho 144.000 khách hàng thành viên cái nhìn súc tích nhất về tình hình kinh tế theo từng quý của khu vực Đông Nam Á, tập trung vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo bản báo cáo này, sự sụt giảm giá dầu thế giới trong thời gian gần đây đã kéo theo việc hàng loạt các dự án khai thác mỏ bị huỷ bỏ tại các quốc gia giàu hàng hoá và chuyên xuất khẩu dầu mỏ như Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, tình hình đó cũng giúp ích cho chính phủ các quốc gia Đông Nam Á khi giờ đây các nước có thể cắt giảm các khoản trợ cấp nhiên liệu và chuyển dịch nguồn vốn cho các lĩnh vực đầu tư khác. Một trong những ưu tiên hàng đầu phải kể đến là giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Việt Nam vượt qua Singapore, Malaysia về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động.
Theo đánh giá của ông Charles Davis, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Giám đốc Cebr: Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã và đang thực thi nhiều chiến lược gia tăng sản lượng đầu ra của quốc gia nhằm vượt qua những thách thức toàn cầu hiện nay. Một trong những yếu tố chủ chốt là gia tăng năng suất lao động hoặc mở rộng quy mô của lực lượng lao động.
Trong đó, “xét về năng suất lao động, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 184% trong giai đoạn từ 1991 đến 2012, tốc độ phát triển này thậm chí còn cao hơn cả các quốc gia nổi tiếng về năng suất lao động như Singapore và Malaysia. Ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ đang di chuyển hoạt động sản xuất của họ vào Việt Nam. Việc duy trì chi phí cơ sở ở mức thấp là yếu tố then chốt để Việt Nam đảm bảo sự ổn định cho các dòng đầu tư”, ông Charles Davis nói.
Theo xu hướng phát triển tất yếu, kỹ năng của lực lượng lao động sẽ được cải thiện và và chi phí sẽ bắt đầu gia tăng, bước tiếp theo mà Việt Nam cần hướng đến là tiến đến mức cao hơn của chuỗi giá trị, phát triển các kỹ năng chuyên môn cần thiết như kỹ sư, khoa học và lập trình. Việt Nam hiện đang có lợi thế rất lớn về phổ cập giáo dục cơ sở. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục bậc cao như đại học và cao học là cần thiết. Nó là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động khi đất nước đã đạt được những cột mốc nhất định.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á, cho hay: So với các quốc gia theo chế độ Xã hội chủ nghĩa trước kia, Việt Nam đã đạt được mức phổ cập giáo dục cả về chữ và số cao hơn các quốc gia có mức thu nhập tương đương. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả về mặt lợi ích kinh tế khi mà phần lớn các hoạt động thương mại vẫn đang bị đóng cửa, cũng như sự chênh lệch về kỹ năng sẵn có của lực lượng lao động với nhu cầu thực của nền kinh tế mới nổi. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tỷ lệ giữa lao động có kỹ năng và lao động không có kỹ năng cao nhất trong giai đoạn 2001 và 2012 với mức 76%.
“Các trường đại học, nơi cung cấp các kỹ năng chuyên môn về kỹ thuật theo xu hướng dịch chuyển từ lắp ráp cơ bản sang các hoạt giai đoạn sản xuất phức tạp khác, hiện vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục bậc cao và các chương trình đào tạo kỹ năng là rất cần thiết khi Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế sản xuất hàng hoá”, ông Mark Billington nhấn mạnh.
Cũng theo đánh giá, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, những đất nước có nền kinh tế phát triển hơn như Singapore hiện đang tìm kiếm giải pháp mở rộng tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động; trong khi đó, Malaysia và Philippines đang phải đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám. Ước tính 10% dân số Philippines lựa chọn làm việc ở nước ngoài, và 295.000 người trong số 4,3 triệu lao động lành nghề của Malaysia rời nước này trong năm 2012. Tăng cường đầu tư nhằm phát triển và quốc tế hoá những lĩnh vực mà người lao động đang rời bỏ là rất cần thiết trong việc giữ chân nhân tài. Các thách thức khác phải kể đến là tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động còn thấp cũng như vẫn còn nhiều các hoạt động lao động không đăng ký.
Hoạch định kế hoạch và đầu tư dài hạn hiện rất cần thiết cho các quốc gia Đông Nam Á trong việc nâng cao chất lượng nền kinh tế, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các giao ước quốc tế cũng như chính sách khuyến khích sử dụng hàng nội địa trong những năm tới. Do đó, các nước trong khu vực hiện cần tập trung phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, vốn dĩ là nguồn lực được nhìn nhận có khả năng thay thế cho các loại hàng hoá khác trong việc đem lại thu nhập từ hoạt động xuất khẩu.
Nguyễn Hiền