Thủ tướng: “Nghe báo cáo về năng suất lao động mà buồn quá!”

(Dân trí) - Cho rằng, nguyên nhân năng suất lao động thấp là do biên chế lớn, song Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp, giảm biên chế không có nghĩa là đẩy công nhân ra đường, mà phải có chính sách để người lao động có công việc phù hợp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


* Hai “ông lớn” Petro Gas, Vinamilk “bẻ cong” chứng khoán Việt Nam
* 9 tháng, thu 427,89 nghìn tỷ đồng vào ngân sách
* Thủ tướng: "Nghe về năng suất lao động mà buồn quá!"
* “Loạn” giá vàng, chênh lệch trên 4 triệu đồng/lượng
* Ngân hàng đầu tiên vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm 2014
* Tổng giám đốc Khải Thái bị bắt, hàng trăm nhà đầu tư như lửa đốt

Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra đánh giá cho biết, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Những so sánh này không khỏi khiến dư luận trong nước trăn trở và suy nghĩ.

Cho đến chiều 2/10, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - một trong những doanh nghiệp được ví như “quả đấm thép” của kinh tế Việt Nam,  lại công bố năng suất lao động tại Tập đoàn này nhiều nhất cũng chỉ bằng khoảng 80% Tập đoàn điện lực của Malaysia, 60-70% Thái Lan, 30% Nhật Bản và chỉ hơn 10% của Tập đoàn điện lực Hàn Quốc.

Cụ thể, tại EVN, TCT Điện lực TPHCM là đơn vị có năng suất cao nhất, đạt 2,4 triệu kWh/người. Trong khi đó, hiện nay ở Tập đoàn Tenaga (Malaysia), năng suất khoảng 2,9 triệu kWh/người, ở Egati (Thái Lan) khoảng 3,5 triệu kWh/người. Tepco (Nhật Bản) khoảng 7,5 triệu kWh/người, Kepco (Hàn Quốc) khoảng hơn 20 triệu kWh/người.

Trước những con số này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi nghe mà buồn quá!” Thủ tướng nói thêm, “Nếu cần công nghệ gì các đồng chí cứ mua. Mà tôi tin rằng, người Việt Nam mình làm được hết”.

Thủ tướng: “Nghe báo cáo về năng suất lao động mà buồn quá!”
Theo Thủ tướng, việc 70% lao động làm việc trong khu vực nhà nước nhưng chỉ tạo ra 15% GDP là không đạt (Ảnh: VGP)

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp phải đào tạo tay nghề kỹ sư, công nhân, đồng thời phải giảm số lượng biên chế không cần thiết. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý “giảm biên chế nhưng không phải là đẩy công nhân ra đường, mà giảm biên chế có chính sách, để công nhân làm việc khác phù hợp hơn và từ đó xã hội có năng suất cao hơn”.

Trong nhiệm vụ này, các doanh nghiệp nhà nước phải làm gương về năng suất lao động, phải “so sánh với thế giới để cạnh tranh chứ đừng tự so với mình”.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, các Tập đoàn, Tổng công ty đều đã có đề án tái cơ cấu cụ thể, phải tiến hành thực hiện chứ “không thể tái cơ cấu chung chung” khi mà vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp đã được “nói mãi rồi”.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi quốc gia muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới thì không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tái cơ cấu để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Trong tái cơ cấu thì cổ phần hóa là một nội dung quan trọng, tạo ra nhiều chủ sở hữu năng động hơn, quản trị tốt hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và góp phần ngăn chặn được tiêu cực. 

Thủ Tướng nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là bán cổ phần để nhà nước thu bao nhiêu tiền về, mà quan trọng hơn là chúng ta có những doanh nghiệp hiệu quả hơn, từ đó mới có nền kinh tế cạnh tranh, hiệu quả.”

Cũng theo đánh giá của Thủ tướng, việc 70% lao động làm việc trong khu vực nhà nước nhưng chỉ tạo ra 15% GDP là không đạt. 

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng cũng lưu ý với các lãnh đạo Bộ Công thương, sản xuất kinh doanh là gốc của tăng trưởng, do đó, nhiệm vụ của các bộ ngành chức năng là phải tháo gỡ vướng mặc cho doanh nghiệp, tạo môi trường, cơ chế thu hút đầu tư, song song với việc bảo đảm các cân đối lớn.

“Nếu các đồng chí đi làm doanh nghiệp, làm hộ kinh doanh gia đình như người dân thì mới thấy được nhiều vướng mắc rất vô lý, mà hoàn toàn không cần đầu tư tiền bạc chúng ta cũng có thể sửa được” – Thủ tướng nói. Theo đó, thực tiễn đang mỗi ngày một thay đổi, Việt Nam đã hội nhập sâu, có những quy định đã cũ, phải sửa đổi mới theo kịp thực tế.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu, trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, “thủ tục gì không cần thiết, gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp thì đều phải rà soát để sửa đổi và loại bỏ”.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”