Việt Nam vươn lên khiến hàng may mặc Trung Quốc vào Mỹ đánh mất vị thế
(Dân trí) - Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ nhiều hơn, trong khi đó, thị phần của Trung Quốc lại giảm đi đáng kể.
Bảy tháng trước, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp sản phẩm lớn nhất cho các công ty thời trang ở Mỹ, nhưng lợi thế đáng kể của nước này so với Việt Nam đã biến mất bởi Covid-19 và căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc, tính theo giá trị, đã giảm từ gần 30% trong năm 2019 xuống còn 20% trong nửa đầu năm nay, hiện con số này đang ngang bằng với Việt Nam sau khi Việt Nam cải thiện thị phần xuất khẩu sang Mỹ từ 16% trong năm ngoái lên 20% trong năm nay.
Sự xói mòn về vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ đã phần nào phản ánh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa 2 quốc gia Mỹ - Trung khi các hãng thời trang Mỹ buộc phải giảm tiếp xúc với các nhà cung cấp Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến thương mại, đại dịch Covid-19 và mối quan hệ song phương Mỹ- Trung đang xấu đi.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ, thăm dò ý kiến của 25 giám đốc điều hành từ các công ty thời trang hàng đầu trong quý II năm nay cho thấy rằng, hầu hết hàng may mặc nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Trong đó, 29% hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam – con số này đã nhiều hơn so với Trung Quốc.
Dữ liệu công bố trong tuần này của văn phòng dệt may thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, về số lượng, Trung Quốc vẫn đóng góp ít nhất 30% sản lượng hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, điều cốt yếu ở đây là mức giá xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thị trường, vì hầu hết các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc đều phải giảm giá mạnh để duy trì các đơn đặt hàng ở nước ngoài và duy trì nhu cầu nước ngoài vốn đang rất yếu.
Giá mỗi đơn hàng may mặc của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ 2,25 USD/m2 xuống còn 1,88 USD trong nửa đầu năm nay, tương đương với mức giảm giảm 16%, đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm trung bình 3% của tất cả hàng may mặc nhập khẩu trên thị trường chung. Giá do các nhà cung cấp Trung Quốc đưa ra cũng thấp hơn khoảng 30% so với các nước châu Á khác trong năm nay.
Tính đến tháng 7, có khoảng 30 tỷ USD hàng dệt, may mặc và sản phẩm dệt gia dụng của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm 90% trong tổng số hàng may mặc nhập khẩu), phải chịu mức thuế 7,5% so với thuế thông thường bởi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sheng Lu, Phó Giáo sư nghiên cứu về thời trang và may mặc tại Đại học Delaware cho hay: “Nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, có khả năng các công ty thời trang Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể nguồn cung ứng từ Trung Quốc của họ nhiều hơn mặc dù đó không phải là lựa chọn ưu tiên về mặt kinh tế”.
Mặt khác, mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để sang các nước lân cận nhằm tận dụng chi phí lao động thấp hơn và tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này đã bị chậm lại trong năm nay do sự hạn chế di chuyển bởi đại dịch Covid-19 gây ra.
Lu còn cho biết thêm: “Đầu tư nước ngoài đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển và mở rộng năng lực sản xuất hàng may mặc”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Việt Nam, trong ba thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào ngành dệt may của Việt Nam đạt tổng cộng 19,5 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc là những nhà đầu tư hàng đầu, tiếp theo là đến Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xuất khẩu ít quần áo thành phẩm hơn và nhiều nguyên liệu dệt hơn sang các nước khác, tại đó, các nguyên liệu được sản xuất thành hàng may mặc. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc tăng 31%, trong khi các lô hàng may mặc và phụ kiện lại giảm 16%, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Lu nói: “Điều quan trọng là phải nhận ra rằng Trung Quốc đang ngày càng đóng vai trò quan trọng như một nhà cung cấp hàng dệt may cho nhiều quốc gia xuất khẩu hàng may mặc ở Châu Á”.
Tính theo giá trị thì có hơn một nửa hàng dệt may nhập khẩu vào các nước Châu Á khác là có nguồn gốc đến từ Trung Quốc trong năm ngoái. Trong khi một thập kỷ trước đó, con số này chỉ ở mức 37,2%. Vậy là sản lượng hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng khá cao trong những năm qua.
Tuy nhiên, các hãng thời trang của Mỹ lại giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc trong vài năm gần đây, đặc biệt là sau khi xảy ra đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhiều hãng cắt giảm đáng kể nguồn chi phí.
Khoảng 70% số người trả lời cuộc khảo sát của hiệp hội ngành thời trang dự kiến sẽ giảm nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho đến năm 2022, giảm so với 83% năm ngoái.
Một giám đốc điều hành cho biết: “Thật khó khăn cho công ty của chúng tôi, với mức giá sản phẩm mà chúng tôi đang bán, rất khó để tìm một nguồn cung phù hợp thay thế Trung Quốc về cả giá cả và chất lượng. Chúng tôi không thể tiếp cận các loại vải, giá cả và khối lượng phù hợp ở các khu vực khác. Các khu vực khác phải phát triển năng lực đủ tốt để đáp ứng được những mong muốn của chúng tôi để chúng tôi chuyển dịch sang đó. Do vậy, chúng tôi đang xem xét tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí hoạt động của mình”.