Việt Nam vào Top 50 địa điểm kinh doanh tốt nhất thế giới

(Dân trí) - Kết quả khảo sát vừa được hãng tin Bloomberg công bố. Theo đó Việt Nam xếp hạng 46 trong số những nước có điều kiện tốt nhất để kinh doanh, vượt trên nhiều nền kinh tế lớn như Brazil, Ấn Độ hay LB Nga. Vị trí số 1 thuộc về Hồng Kông.

Để có được kết quả này, Bloomberg đã tiến hành khảo sát 160 thị trường trên khắp thế giới và chấm điểm từ 0 đến 100 dựa trên 6 nhân tố bao gồm: mức độ hội nhập của nền kinh tế (trọng số 10%), chi phí thành lập doanh nghiệp (trọng số 20%), chi phí nhân công, vật liệu (20%), chi phí vận chuyển (20%), các chi phí vô hình (20%) và mức độ sẵn có của khách hàng địa phương (10%).

Việt Nam vào Top 50 địa điểm kinh doanh tốt nhất thế giới
Việt Nam ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài

 Trên thang điểm này, Việt Nam được chấm 36,2%, xếp hạng 46, đứng trên cả 3 nền kinh tế lớn là LB Nga (36,1%), Ấn Độ (35,9%) hay Brazil (35,5%). Trong đó những điểm được đánh giá cao nhất của Việt Nam đó là mức độ hội nhập của nền kinh tế (64,5%), chi phí lao động và nhân công (45,7%) và chi phí vận chuyển hàng hóa (39,8%).

Trong khi đó các chi phí vô hình lại là điểm kém hấp dẫn nhất của Việt Nam. Theo Bloomberg, chi phí vô hình được tính dựa trên chỉ số nhận thức về tham nhũng, chỉ số về quyền tài sản quốc tế, lạm phát, các loại thuế và khả năng thích ứng.

Ở Top đầu bảng xếp hạng, Hồng Kông được chấm 49%, vượt qua Hà Lan (48,3%) và Mỹ (46,9%) để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của các doanh nghiệp. Trong Top 50, Đức dẫn đầu về mức độ cạnh tranh trong chi phí vận chuyển và ít chi phí vô hình nhất. Trong khi đó UAE là nước với mức độ sẵn có của khách hàng địa phương cao nhất. Hà Lan là nơi có chi phí thành lập doanh nghiệp thấp nhất.

Những nguyên nhân chính khiến đặc khu hành chính Hồng Kông hấp dẫn với các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đó là: các chính sách đảm bảo sự tự do của thị trường, mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (16,5% so với 35% tại Mỹ) và đây là cửa ngõ để vào thị trường đông dân nhất thế giới – Trung Quốc. Hiện tại rất nhiều “đại gia” lớn trên thế giới đã có hiện diện rộng rãi tại đây như General Electric, Gap Inc…HSBC Holdings Plc thậm chí còn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

“Hồng Kông là cửa ngõ để vào Trung Quốc. Khu vực này có các mức thuế suất rất cạnh tranh và do vậy đương nhiên các doanh nghiệp muốn đặt đại bản doanh khu vực châu Á của mình tại đây”, Tomo Kinoshita, phó bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Nomura Holdings Inc, người đã có 5 năm sống tại Hồng Kông nhận xét. “Các doanh nghiệp ngày nay đều muốn càng ở gần Trung Quốc cũng như các nước châu Á khác càng tốt”.

Michael A. Jones, Phó chủ tịch điều hành mảng phát triển kinh doanh và tăng trưởng toàn cầu của G.E thì khẳng định: “Hồng Kông là nơi có hệ thống vận tải và dịch vụ hậu cần tốt nhất. Việc họ có thể duy trì vai trò một thành phố quốc tế năng động là rất quan trọng”. Và đó chính là lí do vì sao GE quyết định đặt đại bản doanh tại đây khi tìm cách mở rộng hoạt động ra bên ngoài nước Mỹ.

Danh sách tốp 50 địa điểm kinh doanh tốt nhất thế giới

Xếp hạng

Quốc gia

Điểm tổng

1

Hong Kong

49.0%

2

Hà Lan

48.3%

3

Mỹ

46.9%

4

Anh

45.7%

5

Australia

45.6%

6

Đức

45.2%

7

Nhật

45.0%

8

Pháp

44.9%

9

Áo

44.8%

9

Singapore

44.8%

11

Thụy Sỹ

43.9%

12

Canada

43.2%

13

Bỉ

42.3%

14

Thụy Điển

42.2%

15

Luxembourg

41.7%

16

Phần Lan

41.4%

17

Đan Mạch

41.2%

18

Na-uy

41.0%

19

Trung Quốc

40.6%

20

Italy

40.1%

21

Tây Ban Nha

40.0%

22

Chile

39.6%

22

Ba Lan

39.6%

24

UAE

39.4%

25

Nam Phi

39.1%

26

Ai len

38.8%

27

Hungary

38.7%

28

Latvia

38.3%

29

Bồ Đao Nha

38.2%

29

Qatar

38.2%

29

Hàn Quốc

38.2%

32

Malaysia

38.1%

32

Romania

38.1%

34

CH Séc

37.9%

34

Estonia

37.9%

36

Montenegro

37.7%

37

New Zealand

37.6%

38

Mexico

37.5%

39

Oman

37.4%

40

Lit-va

37.2%

41

Israel

37.1%

41

Thổ Nhĩ Kỳ

37.1%

43

Bulgaria

36.8%

44

Ả rập xê út

36.7%

45

Ukraine

36.6%

46

Đảo Sip

36.2%

46

Việt Nam

36.2%

48

Nga

36.1%

49

Ấn Độ

35.9%

50

Brazil

35.5%

Thanh Tùng
Theo Bloomberg