1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam & tín nhiệm nợ công: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

(Dân trí) - Hãng định mức tín nhiệm Fitch vừa công bố giữ nguyên mức tín nhiệm nợ công hạng B+ cho Việt Nam nhưng khuyến nghị điểm tín nhiệm nợ công của VN vẫn chịu áp lực từ lạm phát và những tồn tại của hệ thống ngân hàng.

"Vết xe đổ" từ Mỹ

 

Trước đó một tuần, ngày 5/8, một hãng định mức tín nhiệm khác là Standard&Poor's cũng lần đầu tiên trong lịch sử quyết định hạ mức tín nhiệm nợ của Mỹ từ mức AAA xuống AA+. Hai hãng định mức tín nhiệm lớn khác là Fitch và Moody's tuy vẫn giữ mức tín nhiệm cao nhất đối với Mỹ, nhưng cảnh báo về khả năng đánh tụt hạng trong thời gian tới.

 

Quyết định của S&P lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt từ Washington cũng như các nước chủ nợ đang cầm hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ. Bộ Tài chính của siêu cường số 1 thế giới khẳng định với truyền thông nước này rằng cách đánh giá của S&P có quá nhiều sai lệch. Thậm chí, con số 2.000 tỷ USD được dẫn ra để minh họa cho "phép tính sai" của S&P.

 

Tuy nhiên, S&P vẫn bảo lưu quan điểm của mình, với công bố: kế hoạch củng cố tài khóa mà Lầu năm góc và Nhà trắng vừa thông qua chưa đủ yếu tố cần thiết để ổn định nợ công trong trung hạn.

 

Theo nhận định của giới chuyên gia, quyết định hạ điểm này có thể khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng thêm 0,7%, đồng nghĩa Washington phải chi thêm 100 tỷ USD lãi nợ công.

 

Quyết định hạ tín nhiệm của S&P đưa ra không chỉ là hệ quả của cuộc tranh cãi chính trị dai dẳng và gay gắt về trần nợ công của giới làm luật Mỹ, mà còn được coi là hệ lụy của sự bế tắc trong việc giải quyết tình trạng suy thoái có thể kéo dài.

 

Ngày 2/8, chính quyền Obama đã phê chuẩn dự luật giảm thâm hụt ngân sách 2,1 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, đẩy trần nợ công của Mỹ lên 16,4 tỷ USD. Tuy nhiên, mức cắt giảm này chỉ bằng phân nửa con số 4 tỷ USD mà S&P cho là đủ để chấn chỉnh tài khóa Mỹ.

Những phản ứng trái chiều xuất hiện, nhưng không ngăn được cơn tức giận của người dân Mỹ với sự lừng khừng của nền kinh tế. Kết quả cuộc điều tra vừa được Reuters và Ipsos công bố trong tuần này cho thấy: 73% người dân được hỏi tin rằng Mỹ đang lạc lối, và 47% cho rằng "điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới".

Cùng với đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Obama cũng giảm 3% so với tháng trước, về mức nguy hiểm 46%. Chỉ số niềm tin vào chính sách và bộ máy chính trị cũng xuống thấp một cách đáng báo động, với 75% người dân không tin vào triển vọng phục hồi ngắn hạn của Mỹ, còn 80% chán ngán với bộ máy chính trị hiện tại.

Sự tức giận của người dân Mỹ không hẳn thiếu cơ sở, khi thâm hụt ngân sách liên bang trong 10 tháng đầu năm tài khóa 2011 vọt lên mức 1.100 tỷ USD, trong đó mức thâm hụt của tháng 7 cán mốc 129 tỷ USD, gấp 3 lần mức tháng 6. Sự quan ngại tăng lên khi mức tăng trưởng trong quý II của Mỹ chỉ đạt 1,3%/năm, thấp hơn nhiều so với dự đoán.

Các chuyên gia kinh tế phương tây đã chỉ ra 3 vấn đề khiến nền kinh tế Mỹ vật lộn với mục tiêu tăng trưởng: tiêu dùng cá nhân giảm (chỉ tăng 1% trong quý II, do hậu quả của việc chậm lương, giảm lương và thất nghiệp), cắt giảm chi tiêu chính phủ và tỷ lệ tuyển dụng lao động thấp (trong tháng 6 chỉ có 18.000 lao động được tuyển mới).

Trước những áp lực toàn diện lên nền kinh tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 10/8 đã công bố duy trì chính sách lãi suất siêu thấp 0 - 0,25% cho đến giữa năm 2013 và sử dụng các biện pháp bổ sung để giải quyết vấn nạn thất nghiệp và sụt giảm chi tiêu gia đình.

 

FED nhận định, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng yếu trong thời gian tới, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm chậm so với mức 9,1% hiện nay. Giới quan sát nhận định, có thể gói kích thích tiêu dùng thứ 3 (QE3) sẽ được tung ra trong tương lai gần, như một động thái "cấp cứu" nền kinh tế Mỹ.

 

Việt Nam: giải bài toán ngân hàng

 

So với Mỹ, mức nợ công của Việt Nam vẫn được khống chế ở mức được coi là an toàn, dù tổng dư nợ được dự đoán ở mức 1.375 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 58,7% GDP năm 2011 và tăng cả về con số tuyệt đối và tương đối so với năm 2010 (1.122 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,7%).

 

Ngược lại, mối lo lạm phát cũng như sự yếu kém của hệ thống tài chính đang là áp lực đối với điểm tín nhiệm nợ công của Việt Nam, theo Fitch.
 
Việt Nam & tín nhiệm nợ công: Phòng bệnh hơn chữa bệnh - 1
Fitch khuyến nghị áp lực của các vấn đề trong hệ thống ngân hàng lên mức tín nhiệm nợ công của Việt Nam (Ảnh minh họa)

 

Theo tuyên bố cách đây 2 ngày của Fitch, hạng mức tín nhiệm nợ ngoại tệ và nội tệ dài hạn của Việt Nam vẫn giữ mức B+, với triển vọng ổn định nhờ vào sự hỗ trợ của mức tăng trưởng bình quân 7% và thu hút vốn đầu tư ở mức 7,4% GDP trong thời kỳ 2006-2010.

 

Tuy nhiên, theo Andrew Colquhoun - người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công của Fitch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì hạng mức này của Việt Nam vẫn chịu sức ép từ lạm phát và những vấn đề tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
 
Việt Nam & tín nhiệm nợ công: Phòng bệnh hơn chữa bệnh - 2

 

Lạm phát tháng 7/2011 của Việt Nam, theo Tổng Cục thống kê, là 22,16% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 14,6% so với cuối năm ngoái. Đặc biệt, với việc lương thực, thực phẩm tăng giá mạnh, mức tăng CPI tháng 7 đã bật cao trở lại 1,17% - chấm dứt đà giảm tốc của 2 tháng trước đó. Mặc dù Chính phủ đã "nới" chỉ tiêu lạm phát lên mức 17%, áp lực cho 5 tháng cuối năm vẫn là rất lớn.

 

Theo TS. Trần Du Lịch, yêu cầu đặt ra với Chính phủ trong nửa cuối năm nay không chỉ là kiềm chế lạm phát, mà phải loại bỏ được lạm phát kỳ vọng bằng những con số đáng tin cậy của kinh tế vĩ mô, để năm 2012 đưa lạm phát về một con số.

 

Mặc dù cảnh báo áp lực này, Fitch vẫn đánh giá cao chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa chặt chẽ của Việt Nam theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP được hạ từ mức 7 - 7,5% về còn 6%, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng giảm mạnh từ 32% năm 2010 còn 20% vào cuối năm nay. Theo Fitch, Nghị quyết 11 làm tăng niềm tin với đồng nội tệ, hỗ trợ ổn định kinh tế và tín nhiệm nợ quốc gia.

 

"Nếu Việt Nam tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt đưa ra hồi tháng 2, mức  tín nhiệm này sẽ được hỗ trợ. Ngược lại nếu nới lỏng chính sách tiền tệ trước khi lạm phát thực sự được khống chế thì niềm tin vào chính sách sẽ bị xói mòn", Fitch cảnh báo.

 

Những khuyến nghị này cũng khá tương đồng với quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, khi xác định kiềm chế lạm phát, tiếp tục thắt chặt tài chính và chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 

Cũng theo nhận định của Fitch, những vấn đề của hệ thống ngân hàng cũng là một nguồn rủi ro với mức hạng tín nhiệm nợ công Việt Nam. Việt Nam là nước có hệ thống ngân hàng lớn thứ 3 so với GDP, với tổng lượng tín dụng vào cuối năm 2010 bằng 125% GDP.

 

Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng, nguồn vốn ngân hàng tại Việt Nam chiếm tỷ trọng quá cao trong tổng vốn lưu thông, tới 90%. Mức nợ xấu tính đến cuối tháng 4/2010 theo chuẩn kế toán Việt Nam là 2,5%, nhưng theo Fitch con số này sẽ cao hơn nếu tính theo chuẩn quốc tế.

 

Thực tế, vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được đặt ra khá nóng bỏng tại Kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhất là khi các ngân hàng đồng loạt báo lãi nghìn tỷ, còn các DN sản xuất - kinh doanh thì như “cá nằm trên thớt” vì thiếu vốn.

 

Trong 10 kiến nghị gửi Quốc hội, UB Kinh tế nhấn mạnh việc tái cơ cấu hệ thống tài chính, loại bỏ các ngân hàng yếu kém được coi là tác nhân của những "cuộc đua" lãi suất, gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống. Các đại biểu cũng đặt yêu cầu thanh tra toàn diện các NHTM, thậm chí phê phán NHNN đã không "trừng trị" các NHTM phá trần huy động.

 

Để thấy, những khuyến cáo của Fitch đưa ra đã nhắm trúng vào 2 vấn đề bức thiết của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Những cảnh báo này thực ra không mới, nhưng đó là điều cần làm, dù khó, để tránh đối mặt với những nguy cơ cao hơn khi Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu vào sân chơi quốc tế.

Hồng Kỹ