1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đắk Lắk:

Việt Nam sẽ tái canh trên 100.000 héc ta cà phê

Thúy Diễm

(Dân trí) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 với khoảng 107.000 héc ta ở Tây Nguyên.

Ngày 24/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị "Đánh giá kết quả thực hiện đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, triển khai đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025".

Việt Nam sẽ tái canh trên 100.000 héc ta cà phê - 1

Tái canh cà phê góp phần tăng năng suất, sản lượng cà phê Việt Nam (Ảnh: Uy Nguyễn).

Cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 2 cả nước về diện tích, chỉ sau cao su. Năng suất cà phê của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, cao hơn gấp 3 lần (khoảng 2,8 tấn/ha) so với năng suất cà phê của thế giới (0,8 tấn/ha).

Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 3 tỷ USD. Tính đến năm 2021, có hơn 20 tỉnh trồng cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, chiếm khoảng 90% diện tích cà phê cả nước.

Từ năm 2012 đến 2013, Bộ NN&PTNT, các địa phương và Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam nhận thấy diện tích cà phê đã già cỗi trên 30 năm, năng suất thấp, trồng chủ yếu từ các giống cà phê thực sinh. Do đó, Bộ đã phê duyệt đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.

Sau thời gian triển khai, đề án đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam giúp tăng năng suất và sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 khoảng hơn 23 tạ/ha đã tăng lên hơn 28 tạ/ha năm 2021. Sản lượng tăng từ gần 1,3 triệu tấn lên hơn 1,8 triệu tấn.

Đề án tái canh cà phê đã đạt vượt kế hoạch, tính lũy kế đến năm 2020, diện tích tái canh cà phê và ghép cải tạo đạt gần 150.000 ha, vượt 30.000 ha so với kế hoạch.

Việt Nam sẽ tái canh trên 100.000 héc ta cà phê - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của tái canh cà phê (Ảnh: Thúy Diễm).

Tiếp nối thành công của đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025.

Đề án tái canh cà phê giai đoạn này không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương. Quan tâm hơn nữa đến công tác bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nhân nhanh các giống mới đưa vào tái canh.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, tiếp tục bổ sung hoàn thiện Quy trình tái canh. Đặc biệt, quy trình tái canh cho cà phê chè phù hợp với các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị.

Bên cạnh đó, Viện Khoa học kinh tế nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào sản xuất các giống cà phê mới phục vụ nhu cầu tái canh của các tỉnh.

Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ, các địa phương tiến hành xây dựng các tài liệu kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về tái canh để hỗ trợ trực tiếp người dân trong suốt quá trình tái canh.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục có những chính sách ưu tiên cho vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ tái canh cà phê.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm