Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc ADB lần thứ 44:
“Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình”
(Dân trí) - “Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.”
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Việt Nam vinh dự lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên ADB. Tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để đánh giá đầy đủ, toàn diện về những nỗ lực hoạt động của ADB trong thời gian qua, quyết định phương hướng hoạt động cho thời gian tiếp theo với nhiều sáng kiến mới có hiệu quả vì mục tiêu hợp tác và phát triển; đồng thời tăng cường quan hệ giữa ADB và các nước thành viên cũng như với các đối tác phát triển và các bên liên quan khác.”
Theo đánh giá của Thủ tướng, hội nhập và hợp tác khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng và bổ trợ lẫn nhau cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu. Khu vực châu Á và châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu với vai trò và tiếng nói lớn hơn.
Hợp tác ASEAN và ASEAN + ngày càng thiết thực, cụ thể hơn với việc hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam mong muốn ADB đóng vai trò chủ động và tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy hội nhập, hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực; đóng góp thiết thực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3/2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục. Đây là nguồn lực quý báu đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển của Việt Nam. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nhất nguồn vốn quý báu này.
“5 năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn.
Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo nhận định chung, châu Á tiếp tục tăng trưởng trung bình ở mức 7%, nhưng vẫn cần cân nhắc thận trọng thời điểm và cách thức thoái lui các chương trình kích cầu. Đồng thời, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ kinh tế đặc biệt để đảm bảo dòng vốn này được quản lý phù hợp, tạo được động lực phối hợp rộng hơn nhằm ổn định tài chính, từ đó tái cân bằng nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Một vấn đề không kém phần quan trọng là châu Á cần giảm phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu và cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu trong nước.
“Là một nước thành viên ADB, trong năm 2010, Việt Nam cũng chịu tác động từ hậu khủng hoảng và những phát sinh mới của thế giới tác động vào trong nước, nhất là tác động tới tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Song chúng tôi cũng vui mừng thông báo, năm 2010, Việt Nam tiếp tục đạt những thành tựu quan trọng: Nền kinh tế tăng trưởng 6,78% (đây là tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 năm qua), xuất khẩu tăng 26,4% (chủ yếu từ các khu vực phi dầu mỏ); mục tiêu giảm nghòe năm 2010 với năm 2009 giảm gần 2% xuống còn dưới 10%.
Nhìn chung, sự phục hồi của khu vực sản xuất của chúng tôi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu là khá mạnh mẽ. Với sự giúp đỡ tích cực của ADB, công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam ngày càng được minh chứng hiệu quả, tích cực.
Trong năm 2010, ADB đã cung cấp cho Việt Nam 11 chương trình/dự án với tổng nguồn vốn lên tới 960 triệu USD, góp phần đáng kể vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam…” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
An Hạ