Thống đốc Nguyễn Văn Giàu:
“Việt Nam không bất chấp mọi giá để tăng trưởng kinh tế”
(Dân trí) - Bày tỏ quan điểm của mình tại diễn đàn các Thống đốc nói về châu Á, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho hay, Việt Nam sẽ không bất chấp mọi giá để tăng trưởng kinh tế mà quên đi sự bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, năm 1990, châu Á chỉ chiếm 25% GDP toàn cầu với 55% dân số sống dưới ngưỡng nghèo. Nhưng đến năm 2009, châu Á đã chiếm 34% GDP toàn cầu; trong đó khu vực châu Á mới nổi đã tăng gấp đôi tỷ trọng đóng góp của mình trong thương mại toàn cầu và tăng gấp 3 tỷ trọng trong GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, châu Á còn đạt được nhiều thành tựu phát triển xã hội về giảm nghèo, xóa mù chữ nổi bật được cộng đồng quốc tế đánh giá cao ...
Châu Á là nguồn cung lương thực quan trọng của thế giới và cả 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đều ở Châu Á, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Nhật Bản. Tác động của biến đổi khí hậu nhiều khả năng đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và gây ra các thảm họa nhân đạo và tình trạng bất ổn đi kèm. Do đó, Việt Nam sẽ không phát triển bằng mọi giá mà sẽ chú trọng tới bền vững và hơn bao giờ hết là thân thiện với môi trường.
“Tôi muốn bổ sung thông tin, Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển có khả năng bị tác động nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m, sẽ có 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ khuyến nghị của nghiên cứu là chúng ta cần hành động ngay để tránh phải trả giá nhiều hơn trong tương lai vì sự phát triển bền vững trong một môi trường trong lành, thân thiện.
Ở cấp độ hợp tác khu vực, tôi kêu gọi có sự chung tay cùng nhau giải quyết vấn đề này, trong đó ADB cần đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc thực hiện các sáng kiến nhằm giảm nhẹ và giải quyết tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng ngừa những thảm họa kinh tế và nhân đạo có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, chúng ta cần có sự phối hợp chung tay của Chính phủ và công chúng trong việc theo đuổi mô hình phát triển kinh tế xanh, thân thiện và bền vững về môi trường” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Cũng theo thông tin từ vị Thống đốc này, trong các kịch bản phát triển khác nhau của châu Á, Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở với thương mại hai chiều lên tới 150% GDP vào năm 2010 - gắn bó chặt chẽ và được hưởng lợi nhiều từ sự trỗi dậy và triển vọng phát triển của châu Á. Điều này khẳng định chủ trương, định hướng đúng đắn của Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Chia sẻ thêm về châu Á, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay, sự mở cửa thương mại quốc tế của châu Á đóng vai trò then chốt đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế, mở ra những thị trường mới và tạo động lực cho tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả đầu tư, sản xuất, phân bổ hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua cho thấy độ mở nền kinh tế càng lớn càng bị tác động mạnh bởi khủng hoảng thông qua các kênh thương mại, đầu tư và việc quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài sẽ khiến nền kinh tế trong nước dễ bị tổn thương hơn trong một môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường.
Kết quả nghiên cứu của ADB cho thấy, trong quá trình phát triển, châu Á gặp phải không ít khó khăn thách thức, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á năm 1997/98 và cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu vừa qua. Chính từ khủng hoảng 1997/98, châu Á đã biết cách vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực nhằm tiếp tục duy trì đà phát triển kinh tế, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Củng cố vững chắc cơ sở vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho châu Á sớm vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu và trở thành động lực quan trọng giúp nền kinh tế thế giới phục hồi…

An Hạ