1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam sẽ bùng nổ nhượng quyền thương mại

(Dân trí) - Trên thế giới, nhượng quyền thương mại (Franchise) là loại hình kinh doanh mang lại doanh thu rất lớn với tỉ lệ thành công cao. Ở Việt Nam mặc dù hoạt động này còn khá mới mẻ nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, sẽ bùng nổ ngay khi Việt Nam gia nhập WTO.

Chập chững với loại hình kinh doanh mới

Theo bà Hà Ngọc Anh, chuyên gia về Franchise của thương vụ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, doanh thu từ hoạt động kinh doanh nhượng quyền trên thế giới mỗi năm khoảng 1.000 tỉ USD với khoảng 320.000 doanh nghiệp từ 75 ngành khác nhau.

Tại Hoa Kỳ, hoạt động nhượng quyền chiếm trên 40% tổng mức bán lẻ, thu hút được trên 8 triệu người lao động và bình quân cứ 12 phút lại có 1 Franchise mới ra đời. Hình thức kinh doanh hiện nay của các tên tuổi lớn như: McDonald's, KFC... chính là hình thức kinh doanh Franchise.

Người dân ở nhiều nước trên thế giới đều có thể được ăn cùng một loại bánh McDonald's như nhau, điều này không có nghĩa là McDonald's trực tiếp đầu tư tại các nước đó mà do các công ty bản địa đã mua quyền kinh doanh thương hiệu McDonald's tại đó và kinh doanh sản phẩm McDonald's theo cùng một tiêu chuẩn do McDonald's đặt ra.

Theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp VN chủ yếu mới mua chứ chưa có khả năng bán Franchise. Cũng dễ hiểu, bởi loại hình kinh doanh này còn quá mới mẻ. Tuy nhiên, trên thực tế một số doanh nghiệp đã vừa học hỏi kinh nghiệm lại vừa có thể tạo ra sản phẩm và bán ra nước ngoài.

Việt Nam sẽ bùng nổ nhượng quyền thương mại - 1
  

Bà Hà Ngọc Anh

Những thương hiệu của VN đã thành công, mặc dù là bước đầu nhưng rất rõ ràng, phải kể đến Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, bánh Kinh Đô... Đó là những đơn vị đi trước đón đầu, họ không chỉ mua về mà họ còn sáng tạo ra các sản phẩm với thương hiệu riêng để "xuất khẩu" hay bán ngay ở thị trường nội địa.

Có cơ sở để bùng nổ

Theo dự báo của các chuyên gia, Franchise sẽ phát triển tại Việt Nam một cách bùng nổ, đặc biệt sau khi VN gia nhập WTO, nhất là các loại hình dịch vụ bán lẻ, hàng hoá tiêu dùng, trong lĩnh vực thời trang, quản lý bệnh viện, giáo dục đào tạo...

Theo bà Hà Ngọc Anh, ở những nước phát triển, các ngân hàng đều có thể cho vay với những người mua Franchise và ngay kể cả những người bán cũng có những hỗ trợ với bên mua. Tại VN hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính như vậy.

Tuy nhiên, có một tin vui là Đại sứ quán Mỹ đang có sự hợp tác với OPIC - một quỹ hỗ trợ đầu tư hải ngoại của Mỹ - để giúp đỡ về mặt tài chính với những người bán Franchise của Mỹ cho các DN Việt Nam cũng như những DN Việt Nam muốn mua Franchise của Mỹ.

Hiện tại, OPIC đã có một khoản tài chính nhất định dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam muốn mua Franchise của Mỹ. Dù khoản hỗ trợ tài chính này mới chỉ dừng lại trong phạm vi nhỏ (giữa Việt Nam và Mỹ) nhưng đó sẽ là một tin vui đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm