1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam ở đâu trong “thế giới phẳng”?

Trong thế giới "phẳng" ngày nay, nếu biết ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông vào sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp dù nhỏ cũng có thể dễ tìm ra các khe hở của thị trường. Những biến đổi sâu sắc của nền kinh tế thế giới mà Việt Nam phải thích ứng để chọn đúng con đường phát triển.

Xin được dùng khái niệm “thế giới phẳng” của Thomas Friedman (tác giả cuốn sách cùng tên về toàn cầu hóa) để nhấn mạnh công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin - viễn thông (ITC) đang làm thế giới như nhỏ lại, “phẳng” ra và không còn nhiều rào cản địa lý như trước.

Điều đó mở ra cho loài người một bối cảnh phát triển, những phương thức sản xuất-kinh doanh, những tình thế địa - kinh tế, địa - chính trị hoàn toàn mới. Nhiều rào cản đã không còn, bài toán tối ưu hóa đang được làm lại trên bình diện thế giới.

Việc “hợp lý hóa” thực chất cần nhiều đầu óc thực tế, kỹ năng thông thường hơn là các chiến lược hàn lâm, dài hạn và tốn kém. Vậy, thế giới “phẳng” này mở ra điều gì với Việt Nam và chúng ta nên hành động thế nào trong bối cảnh đó?

Phương thức sản xuất, kinh doanh mới: Định hướng toàn cầu thay cho định hướng quốc gia

Với sự tiến bộ của công nghệ, phương thức sản xuất - kinh doanh trên thế giới đã thay đổi với những loại hình mới: thuê khoán (outsourcing), chuyển ra nước ngoài (offshoring), thuê làm các việc nội bộ (insourcing). Người ta sản xuất, gia công, kinh doanh không chỉ các sản phẩm truyền thống của mình mà có thể rất nhiều các sản phẩm của các nước khác (mà có khi mình không sử dụng). Gia công phần mềm, may gia công cho nước ngoài ở Việt Nam, công ty Ấn Độ được thuê khoán để điền tờ khai thuế cho Mỹ, các công ty chuyên làm thí nghiệm, đọc kết quả phim X-quang... là những thí dụ cho xu hướng này.

Với công nghệ, việc hình thành xuyên biên giới các chuỗi cung cấp (supply chain), cụm công nghiệp (industry cluster) chỉ còn là vấn đề thời gian và như những “lát cắt” xẻ dọc các quốc gia theo tiêu chí tối ưu hóa các công đoạn và quy trình sản xuất.

Những nước với nền kinh tế được hoạch định theo tiêu chí quốc gia sẽ khó cưỡng lại và trả giá đắt nếu đi khác với quá trình và dòng chảy đã được tối ưu hóa này. Thua lỗ trong việc xây dựng các nhà máy đường, xi măng lò đứng, nội địa hóa ngành ô tô, là những hệ quả của định hướng này.

Một số khu sản xuất-gia công (manh nha cho các khu công nghiệp) xuất hiện gần đây ở biên giới Việt-Trung để gia công hàng cho Trung Quốc là biểu hiện sự hình thành tất yếu các cụm công nghiệp, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung cấp cho “đại công trường thế kỷ” Trung Quốc.

Một khi thế giới đã trở thành “phẳng”, mọi cố gắng cứu vớt các ngành kinh tế nội địa vừa vô tác dụng, vừa lãng phí mà đúng ra phải nhanh chóng giúp các doanh nghiệp nhận ra “cách chơi” mới và đi thuận với dòng chảy. Hàng không giá rẻ của nhiều hãng châu Á, các hãng du lịch Thái Lan giành thị phần ngay trên đất Việt... là thí dụ quá rõ.

Tuy nhiên, thế giới “phẳng” cũng mở ra những cơ hội mới cho các nước chậm phát triển. Họ gia công-sản xuất-kinh doanh không chỉ các sản phẩm của mình (hoặc với nguyên vật liệu của mình) mà có thể mở rộng sự lựa chọn đến vô số các sản phẩm của nước khác, thông qua việc thực hiện những công đoạn (với giá rẻ hơn) trong quy trình sản xuất sản phẩm hoặc nối thêm công đoạn làm gia tăng giá trị của sản phẩm đó.

Việc hoạch định chiến lược dựa trên tài nguyên, cây, con, đặc điểm thổ nhưỡng, thiên nhiên... của địa phương cần được thay thế bằng việc tìm ra các công đoạn, kỹ năng nước khác cần mà ta có thể thực hiện rẻ, tốt hơn.

Khi các rào cản bãi bỏ, bài toán tối ưu hóa, hợp lý hóa đang được làm lại trên bình diện thế giới. Làm được điều này cần tính thực tế, dựa vào ICT và biết được phương thức sản xuất-kinh doanh hơn là những phát kiến xuất chúng về khoa học-công nghệ.

Đặc trưng cho cách kinh doanh này là Wal-Mart của Mỹ, trong đó khi một sản phẩm được mua ở Connecticut, Mỹ, thì ngay lập tức nó lại được sản xuất ra ở một nơi nào đó tại Trung Quốc. Những giấc mơ có được một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam và về một vài tập đoàn kinh tế mạnh (thường với các định hướng quốc gia rõ rệt) liệu có phải là những giải pháp khả thi trong sự phân công mới này?

Chúng ta không chỉ đem các sản phẩm mình sản xuất ra nước ngoài bán mà cần xem trong các sản phẩm nước ngoài sản xuất ta có thể làm gì được rẻ, tốt hơn hoặc gia tăng thêm giá trị gì để sản phẩm bán được với giá cao hơn.

Trong thế giới “phẳng”, ta không chỉ xuất khẩu sản phẩm mà phải tìm cách xuất khẩu gia công, giá trị gia tăng. Sản xuất không còn chủ yếu để tiêu dùng trong nước mà nhắm tới tiêu thụ ở nước ngoài.

Một cơ sở nghiên cứu-sản xuất về cơ khí nổi tiếng của Việt Nam xúc tiến mạnh mẽ để xuất khẩu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, họ không ngờ (và không bao giờ tìm cách quảng cáo) rằng khách hàng nước ngoài không để ý tới sản phẩm của họ mà lại muốn tìm nơi gia công kim loại với độ chính xác tới 1 micron.

Nếu cơ sở đó biết được như vậy, chắc chắn họ sẽ không sản xuất các sản phẩm khó bán mà tìm cách tiếp thị các kỹ năng gia công của mình với thế giới bằng cách khá đơn giản và rẻ tiền là qua mạng internet. Khi không đủ lực, không nên tìm cách cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài mà nên cùng họ sản xuất-kinh doanh chính mặt hàng đó một cách tốt hơn.

Việc cần làm bây giờ không phải là thụ động chờ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (in-vestment) mà chủ động đi ra ngoài để “chào” kỹ năng của ta, tức là tăng cường đầu tư kỹ năng ra nước ngoài (out-vestment).

Theo diễn tả của Friedman thì, khi thế giới đã “phẳng”, cần “vớ lấy cái xẻng” (tức là khai thác nó) chứ không “xây bức tường” chắn lại. Một công ty, cơ quan thực sự hội nhập thì không còn phòng, ban hợp tác quốc tế vì ngay từ các tế bào cơ sở của họ đều hoạch định, hành động dựa trên các cân nhắc toàn cầu.

Thế giới “phẳng” và cơ hội cho các công ty nhỏ, nước nhỏ

Công nghệ, đặc biệt là ICT, tạo điều kiện cho các công ty nhỏ, thậm chí các cá nhân, có nhiều cơ may trong việc tham gia vào thị trường khu vực, thế giới. Nói cách khác, họ trở nên bình đẳng hơn trên sân chơi quốc tế. Chuỗi cung cấp, chu trình sản xuất-kinh doanh đã được “cắt” ra rất nhiều đoạn nhỏ để có thể tối đa hóa giá trị và tối thiểu hóa giá thành. Việc cắt đoạn nhỏ này tạo điều kiện cho các công ty nhỏ, gọn có thể tìm ra kẽ hở thị trường (market niches).

 Trước mắt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần trang bị các kiến thức cơ bản về công nghệ, ICT để có thể làm cho nhiều khách hàng biết đến mình. Việc nhiều nhà may ở Hội An, nhiều lò gốm ở Bát Tràng, nhà dệt lụa ở Hà Đông... có website riêng và nhận đặt hàng trực tuyến là rất hiệu quả và không mấy tốn kém.

Việc chính phủ và các công ty Trung Quốc, Ấn Độ chủ động toàn cầu hóa làm chính Mỹ và các nước phát triển bất ngờ, bị động và phải dùng đến những biện pháp hành chính rất phi thị trường để ngăn cản (thí dụ: vụ CNOOC của Trung Quốc mua Unocal của Mỹ). Nhiều nước nhỏ có ý thức toàn cầu hóa cao hơn các nền kinh tế lớn nhưng quan liêu, cồng kềnh.

Đây là cơ hội để các nước nhỏ tìm ra các kẽ hở thị trường cho mình. Trong khủng hoảng là lúc cũng nảy sinh nhiều cơ hội mới và ta không được chần chừ, như P.Romer ở Đại học Stanford nói, “Khủng hoảng là cái không được bỏ phí” (A crisis is a terrible thing to waste).

Trong bối cảnh thế giới phẳng, Việt Nam cần nhanh chóng dùng công nghệ để giảm tỷ lệ xuất thô nguyên vật liệu, tài nguyên trong nước (dầu thô, thủy hải sản, nông lâm sản...). Về hiệu quả, chưa chắc việc đầu tư nghiên cứu để có một vài công nghệ, sản phẩm của Việt Nam đã hơn việc phổ cập kiến thức về ICT, internet cho số lớn các công ty nhỏ và vừa để tiếp thị với thế giới.

Nhà nước nên đầu tư vào nghiên cứu về các chuỗi cung cấp, chuỗi giá trị , mạng lưới công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp ở khu vực, thế giới để chỉ ra các việc, công đoạn, kỹ năng mà các công ty Việt Nam có thể làm.

Theo Đinh Thế Phong
Thời báo kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm