Bị áp thuế bán phá giá giày mũ da:

Việt Nam nên “lái” các quyết định của EC

(Dân trí) - “Đến giờ phút này, giải pháp trì hoãn thuế quan đã bị phủ quyết, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã trở lại phương án áp thuế và các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đang thảo luận về vấn đề này” - Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho biết trong cuộc trao đổi với báo giới sáng nay 8/8.

Viễn cảnh xấu

Theo bà Loan, Bộ Thương mại cũng đã hỗ trợ hết sức cho Hiệp hội Da - giầy Việt Nam (Lefaso) khiếu nại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ phía EC về việc áp mức thuế 10% đối với giày da của Việt Nam và 16,5% đối với Trung Quốc.

“Thông tin mới nhất chúng tôi có được, hiện đa số các nước có đại diện trong Ủy ban Tư vấn chống bán phá giá (Anti - Duming Advisory Committee), đều không chấp nhận với EC về việc áp thuế đối với Việt Nam và Trung Quốc. Tôi cho đó cũng là một tín hiệu tốt, tuy nhiên chúng ta còn phải chờ kết luận của Hội đồng trong thời gian tới”- bà Loan nói.

Ngày 6/9 tới sẽ là hạn chót mà EU tổ chức phiên họp để đưa ra quyết định cuối cùng là có áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc theo đề xuất của EC hay không?.

Cũng theo bà Loan, việc EC đề xuất áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày da Việt Nam đã gây những tác động rất lớn và tiêu cực đến ngành da giày và cả về mặt xã hội nước ta. Vụ kiện đã ảnh hưởng trực tiếp tới hơn nửa triệu lao động, trong đó hơn 80% là lao động nữ.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Lefaso bày tỏ: Đề xuất áp thuế của EC đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, bởi 100% gia công cho nước ngoài nên phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác. Sản lượng giày có mũ da chiếm trên 30% lượng giày dép xuất khẩu vào EU.

“Hiện tại, rất nhiều đối tác đã rút đơn hàng và dịch chuyển sản xuất sang các nước khác như: Indonesia, Camphuchia, Thái Lan… Điều này đã khiến các doanh nghiệp của ta không chỉ mất đơn hàng mà cọn bị mất luôn cả khách hàng” - ông Lâm cho biết thêm.

“Lái” các quyết định của EC

Đây chính là một trong những lời khuyên dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO của ông Claudio Dordi - Giám đốc dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực thể chế giúp Việt Nam gia nhập WTO.

Theo ông Claudio Dordi, da giày là vụ kiện thứ 3, (sau xe đạp và móc thép) mà EC đã tiến hành với các doanh nghiệp Việt Nam. Để tránh lặp lại những vụ kiện tương tự khi gia nhập WTO các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết cách “lái” các quyết định của EC.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố quan hệ hợp tác với chính quyền EU. Đây chính là cơ hội giúp các doanh nghiệp thu được nhiều thông tin chi tiết hơn liên quan tới 3 tiêu chuẩn đầu tiên trong việc cấp Quy chế đối xử theo chế độ kinh tế thị trường (MET).

Thứ hai, các doanh nghiệp cần phát triển hệ thống kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế trong chính doanh nghiệp mình. Khi các doanh nghiệp được trang bị một hệ thống kế toán hoàn hảo sẽ giúp có những kĩ năng phân tích kinh tế hợp lí.

Thứ ba, vụ kiện Da giày bắt đầu từ năm 2005, sau khi hàng rào hạn ngạch được dỡ bỏ và Việt Nam bị coi là bán phá giá bởi sự bùng nổ hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Vậy nên, các doanh nghiệp cần chú ý tới lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá đang chịu sự cạnh tranh với Trung Quốc.

Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố mối liên kết với các quốc gia đang phát triển khác nhằm tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp của những nước đó. “Đồng lòng” chính là một cách để “lái” các quyết định của EC một cách thành công nhất.

Nguyễn Hiền