Việt Nam lãng phí hàng tỷ USD từ đất đai

(Dân trí) - Theo tính toán từ Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 - 5 tỷ USD/năm. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước dù có mặt bằng đất đắc địa nhưng lại không sử dụng hết vào mục đích kinh doanh.

Sáng nay 23/3, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã tổ chức hội thảo khoa học Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
 
Việt Nam lãng phí hàng tỷ USD từ đất đai
Nhiều mảnh đất "vàng" chưa được sử dụng đúng giá trị (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, sẽ có hai phương án thu ngân sách từ đất đai.

Phương án 1, tổng số thu NSNN từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỉ đồng/năm.

Phương án 2, tổng số thu NSNN từ đất bình quân là 98.624 tỉ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản.

Với các con số trên, và theo phương án nào thì con số dự kiến thu từ đất sẽ đạt 4-5 tỷ USD/năm. Các nguồn chính từ việc tăng thêm này bao gồm đất khu công nghiệp (tăng 128 ngàn héc ta), đất ở đô thị (68 ngàn héc ta) và một số loại đất phi nông nghiệp khác (210 ngàn héc ta) trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Bộ Tài chính cho biết, nguồn lực tài chính khai thác từ đất đai tập trung vào ngân sách nhà nước trong cả giai đoạn 2011-2020 là rất lớn. Trên thực tế số thu này có thể còn cao hơn vì giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lộ trình mới đang dần tiếp cận giá thị trường, nhất là trong trường hợp chuyển mạnh sang đấu giá đất để giao đất, cho thuê đất.

Bởi theo số liệu từ Cục Quản lý công sản, trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động hiện nay chiếm khoảng 1,5 tỉ m2, tương đương 594.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có hơn 100.000 m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Xét về giá trị, số nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (gọi chung là DN Nhà nước) hiện chiếm đến 97,2% giá trị tài sản DN Nhà nước.

Riêng các DN Nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất và ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Điển hình là trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại số 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội hoặc Tổng Công ty Đường sắt tại số 136 Hàm Nghi, quận 1 – TPHCM.

Tính đến tháng 12-2011, đã có 71 bộ, ngành Trung ương, 17 DN Nhà nước và 51 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng diện tích 3,4 tỉ m2 đất và 106 triệu m2 nhà.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý công sản, các đơn vị được giao đất chưa đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên trên hết mà chủ yếu đối phó với cơ quan Nhà nước để giữ lại nhiều nhà đất nên các phương án đề xuất xử lý không phù hợp và không có tính khả thi. Trong quá trình hình thành các tập đoàn, tổng công ty đa ngành, nhiều DN đã lợi dụng chính sách ưu đãi về đất (tiền cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng đất trên thị trường) để kinh doanh bất động sản nhằm hưởng chênh lệch.

Với hàng loạt đề xuất của mình, Cục Quản lý công sản dự báo nguồn thu từ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, số thu từ việc cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính tăng thêm khoảng 1.465 tỉ đồng; số thu từ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch tăng khoảng hơn 18.000 tỉ đồng; số thu từ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tăng hơn 3.800 tỉ đồng. Riêng số thu từ sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ của Thủ tướng Chính phủ sẽ thêm khoảng 100.000 tỉ đồng.
 
Nguyễn Hiền