Lãng phí đất tại nhiều khu công nghiệp

Tính đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước mới đạt 46%. Điều đáng nói là, nhiều địa phương tiếp tục xin thêm được dự án KCN mới.

Hà Nam là địa phương có ưu thế phát triển KCN, nhưng tỷ lệ phủ lấp KCN chưa đến 70%. Theo ông Phạm Bá Tùng, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, tính đến quý I/2011, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê là 265,7 ha, trong đó các doanh nghiệp đã sử dụng 177,8 ha.

Nhiều KCN có tỷ lệ phủ lấp rất khiêm tốn như Hòa Mạc (rộng 131 ha, nhưng mới cho thuê được 4,8 ha), Đồng Văn II (mới cho thuê được 65,8 ha trong tổng số 320 ha), Châu Sơn (chỉ cho thuê được 36,2/115 ha)…
Lãng phí đất tại nhiều khu công nghiệp - 1
Cả nước có 173 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 43.718 ha. Ảnh: Đức Thanh

Trong 4 KCN đã đi vào hoạt động trên tổng số 13 KCN tại tỉnh Hưng Yên, chỉ có KCN Phố Nối A (diện tích 391,6 ha) có diện tích đất đã cho thuê đạt 220,86 ha. Còn lại, KCN Dệt may Phố Nối diện tích 121 ha, đã cho thuê là 20 ha; KCN Minh Đức diện tích 198 ha, đã cho thuê 39,37 ha; KCN Thăng Long II đã cho thuê khoảng 45,8 ha.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long có 20 KCN, với tổng diện tích 3.645 ha, nhưng mới cho thuê được hơn 810 ha, đạt tỷ lệ khoảng 22%. Ngoài ra, các địa phương tại khu vực này còn lập 177 cụm công nghiệp với diện tích 15.457 ha, nhưng mới có 15 cụm được doanh nghiệp thuê 700 ha, đạt tỷ lệ 4,5%. Thậm chí, tại những địa phương xa xôi, không thuận lợi để phát triển KCN như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang…, nhiều KCN cũng được dựng lên để rồi… trùm mền.

TS. Nguyễn Văn Sử, Trưởng khoa Kinh tế phát triển (Học viện Chính trị Hành chính Khu vực I) cho rằng, các địa phương chỉ đua nhau xin được cấp phép KCN, mà không có định hướng xem KCN đó sản xuất cái gì, liên kết theo chuỗi sản xuất nào, những dự án nào được chấp nhận. Vì thế, mới có tình trạng, trong một KCN, có cả nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy luyện thép, lắp ráp, chế biến nông sản...

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thực trạng nhiều KCN được quy hoạch hoành tráng rồi bị bỏ hoang xuất phát từ việc dự báo và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chặt chẽ; không ít nhà đầu tư thiếu nghiêm túc, xin dự án, xí chỗ mà không làm gì.

Ông Doanh cho rằng, đã đến lúc cần rà soát toàn bộ các KCN trong cả nước, đồng thời có chính sách thận trọng hơn đối với phát triển KCN. Thậm chí, những KCN bỏ hoang hay để trống một phần cần phải thủ hồi để phát triển các dự án dân sinh, như khu dân cư, bệnh viện, trường học…, hoặc trả lại đất cho nông dân.

Còn ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCN - Khu chế xuất TP.HCM, cho rằng, sở dĩ các địa phương quy hoạch nhiều KCN, nhưng đạt tỷ lệ lấp đầy thấp là do yếu kém trong công tác xúc tiến đầu tư. Muốn tăng tỷ lệ phủ lấp KCN, các địa phương phải khắc phục được điểm yếu này, tuy nhiên, cũng không nên dễ dãi mà buông lỏng vấn đề bảo vệ môi trường, cấp phép cho các dự án lạc hậu về công nghệ…

Đồng quan điểm, ông Phạm Bá Tùng - Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam - cho rằng, thời gian tới, các KCN tại Hà Nam cần tổ chức mời các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước tới dự các buổi giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư tại KCN; xây dựng và cập nhật các thông tin về cơ chế, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư trên trang thông tin chung của tỉnh và của Ban quản lý...

 

Tính đến nay, cả nước đã có trên 260 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên 71.394 ha. Trong đó, 173 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 43.718 ha.

Các KCN được phân bổ trên 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung nhiều KCN nhất, với 124 KCN, chiếm gần 48%; Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc có 52 KCN, chiếm 20% và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có 23 KCN, chiếm gần 10% tổng số KCN trên cả nước. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Hồng Hiên
Báo Đầu tư