1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điểm yếu “cốt tử” khi Việt Nam gia nhập WTO

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ những bật cập, hạn chế kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến nay.

 


Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh DN

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh DN

Những tác động tích cực

Sáng 18/9, Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, việc tham gia WTO đã tạo ra những tác động tích cực về mở rộng thị trường, đầu tư đối với các ngành hàng của Việt Nam, rõ nét nhất là tăng trưởng xuất khẩu và tăng thị phần xuất khẩu. Năm 2014, ngành thủy sản nằm trong tốp 5 nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới, hàng thủy sản Việt Nam có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,84 tỷ USD cao hơn so với năm 2007 (3,76 tỷ USD).

Việt Nam cũng trở thành một trong 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, từ mức 5,9 tỷ USD của năm 2006 lên 24,692 tỷ USD năm 2014. Thị trường viễn thông Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới về quy mô và tốc độ phát triển trên ba lĩnh vực cố định, di động và Internet…

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cũng chỉ rõ, do tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới khiến cho một số nền kinh tế lớn suy thoái, kinh tế thế giới suy giảm, do đó nguồn FDI vào Việt Nam sụt giảm nhiều năm và phục hồi vài năm gần đây, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, trong khi nhiều điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa được tháo gỡ, việc điều chỉnh chính sách kinh tế nhiều lúc còn bị động nên dẫn tới tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế…

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai mong muốn có một đánh giá, xem kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra ở mức độ nào? Ngoài ra cũng cần phải đánh giá thêm những tác động đến đời sống xã hội từ khi Việt Nam gia nhập WTO ra sao, người dân được hưởng lợi gì từ quá trình hội nhập và đứng trước áp lực gì?

Đề nghị báo cáo đánh giá phải khẳng định vào WTO được nhiều hơn mất, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, từ khi hội nhập, việc thu hút đầu tư vào Việt Nam đã mạnh hơn rất nhiều, thu nhập và đời sống của người dân được nâng lên.

Bên cạnh đó cũng cần phải chỉ ra lợi thế, đồng thời phân tích xem, tại sao lợi thế của ta, đặc biệt lợi thế về nông nghiệp lại không phát huy được? Hay lợi thế về thiên nhiên để phát triển văn hóa du lịch, lao đông đang ở thời kỳ dân số vàng, vì sao lại không phát huy được?

Ông Hiển phân tích nguyên nhân trước tiên do hệ thống pháp luật, cơ chế cải cách của ta dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu. Vấn đề bảo hộ, rào cản cũng là vấn đề cần phải đặt ra, bởi không chỉ rào cản về chính sách tiền tệ, hàng rào kỹ thuật, thuế quan... mà còn nhiều rào cản khác. Ông cũng đề nghị báo cáo giám sát cũng phải chỉ ra những giải pháp trong giai đoạn tới như thế nào? Định hướng phát triển ra sao?

Còn không ít điểm yếu

Khẳng định việc tăng trưởng theo chiều sâu còn hạn chế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đã chỉ ra những điểm yếu “cốt tử” bộc lộ khi Việt Nam gia nhập WTO. Ông Ksor Phước cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn yếu, kinh tế thị trường chưa đầy đủ, lao động nông nghiệp không chỉ lớn nhất cả nước, mà tác phong lao động, kỹ năng và chất lượng lao động nông nghiệp còn hạn chế.

Về công nghiệp vốn dĩ đã chưa đủ sức cạnh tranh, đến khi gia nhập thị trường đã bộc lộ ngay những điểm yếu. Kèm theo đó, thị trường KHCN chưa hình thành, chưa mang tính phổ cập, thậm chí người nông dân còn không cần đến khoa học kỹ thuật. Đã vậy cơ sở hạ tầng của chúng ta lại cũng rất yếu.

Điểm yếu cốt tử thứ tư, theo ông Ksor Phước là “lỗi hệ thống”. Ông đề nghị phải làm rõ xem lỗi hệ thống trong chính sách có vấn đề gì? Quá trình hoàn thiện luật chậm thì trách nhiệm ra sao? Rồi lỗi từ vấn đề cải cách hành chính, hệ thống công chức, hay tư duy quy hoạch vùng miền…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị “không lạc quan quá mức nhưng phải đánh giá đúng mức”. Dẫn dụ từ những ý kiến tại Diễn đàn kinh tế Mùa Thu vừa qua, ông Lưu cho biết, giới chuyên gia đánh giá chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là đúng, kịp thời và là một khâu đột phá của Việt Nam với rất nhiều thành tựu đạt được.

Tuy nhiên, ông Lưu cũng cho rằng, Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được mọi cơ hội, chưa vượt qua được thách thức của hội nhập. Dù đã có thành tựu, nhưng so với các nước thì vẫn còn đó “nguy cơ tụt hậu” mà Đảng đã chỉ ra. Chuyên gia nói càng hội nhập quy mô của doanh nghiệp Việt Nam càng nhỏ đi. Rồi họ còn nói nhiều cán bộ còn lơ mơ trong hội nhập, đưa ra nhiều chủ trương không nhất quán.

Vấn đề mấu chốt đánh giá về quá trình hội nhập được Chủ tịch Quốc hội đặt ra là: Khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển co dần lại hay còn xa hơn? Theo Chủ tịch Quốc hội, tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ khá nhưng chất lượng bên trong thế nào, cơ cấu công nghiệp tốt chưa khi nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất nội địa rất kém.

“Công nghiệp của ta thế nào? Chất lượng đã đảm bảo chưa? Nông nghiệp với 70% là nông dân, sản lượng hình như cũng giảm, chất lượng hàng hóa cạnh tranh cũng xuống, mà điều này là vấn đề lợi ích của toàn dân. Nền khoa học công nghệ đã đạt chưa?”. Nêu ra hàng loạt vấn đề, rồi Chủ tịch Quốc hội kết luận: “Chưa được”!

Yêu cầu bổ sung toàn diện bức trong hội nhập WTO, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ cho ý kiến về Báo cáo giám sát một lần nữa, trước khi gửi tới các Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới.

GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm từ mức 14,75% năm 2007 xuống 5,97% năm 2014, hộ cận nghèo cao 5,62%. Hệ số bất bình đẳng thu nhập (Gini) khu vực thành thị giảm, nhưng ở khu vực nông thôn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Chênh lệch thu nhập thành thị và nông thôn được rút ngắn về số tương đối nhưng gia tăng về số tuyệt đối.

Theo Dũng Nguyễn
Tiền Phong

 

Điểm yếu “cốt tử” khi Việt Nam gia nhập WTO - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm