1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam đang tăng xuất, giảm nhập hàng hoá từ Trung Quốc

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2016 đã có sự sụt giảm đáng kể so với các năm gần đây; trong khi đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sự tăng trưởng khá, điều này góp phần làm giảm đáng kể nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Với dân số khoảng 1,3 tỷ người, nông sản của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Với dân số khoảng 1,3 tỷ người, nông sản của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2016 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2015.

Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch lớn và tăng trưởng khá cao trong năm 2016 như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt trên 4 tỷ USD, tăng 53,3%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 55,9%); mặt hàng dầu thô (đạt 1,3 tỷ USD, tăng 61,4%) điện thoại các loại và linh kiện (đạt 800 triệu USD, tăng 51%). Ngoài ra, mặt hàng rau quả và thủy sản cũng có sự tăng trưởng mạnh lần lượt đạt trên 1,7 tỷ USD (tăng 45,5%) và 685 triệu USD (tăng 51,9%).

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 49,9 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2015. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao trong các năm trước đã có sự sụt giảm nhập khẩu đáng kể trong năm 2016 như: ô tô nguyên chiếc các loại đạt 422,4 triệu USD, giảm 60%; phân bón các loại đạt 467,7 triệu USD, giảm khoảng 30%; xăng dầu đạt 451 triệu USD, giảm 51%.

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2016 đã có sự sụt giảm đáng kể so với các năm gần đây, trong khi đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sự tăng trưởng khá, điều này góp phần làm giảm đáng kể nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc. Năm 2016, kim ngạch nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đạt 27,9 tỷ USD, giảm 13,7% so với mức nhập siêu từ thị trường này năm 2015.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với dân số trên 1,3 tỷ người, Trung Quốc có nhu cầu đa dạng với thị hiếu và ẩm thực khác nhau giữa các vùng miền. Dân cư các tỉnh Đông Bắc và miền Trung có nhu cầu thường xuyên về rau quả nhiệt đới, Tây Nam có nhu cầu về thủy sản, miền Đông và các trung tâm kinh tế như Thẩm Quyến, Chu Hải, có nhu cầu lớn về các loại nông lâm sản cao cấp (đồ gỗ, thủy sản tươi sống, hoa quả), phía Nam có nhu cầu nhiều về gạo và hoa quả nhiệt đới... Do đó, nông sản của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Một ví dụ được kể tới là mặt hàng gạo, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam. Trung Quốc hiện nhập khẩu gạo chính từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Pakistan,... Tuy nhiên, gạo Việt Nam chủ yếu được biết trong giới doanh nghiệp nhập khẩu gạo, chưa có thương hiệu trên thị trường bán lẻ. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn gạo sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch đạt 782 triệu USD giảm 8,6% so với năm 2015, chiếm 48,5% lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc.

Hay như mặt hàng thủy sản, mặc dù Trung Quốc là nước có sản lượng thuỷ sản lớn nhất thế giới và cũng là nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, tuy nhiên thuỷ sản nhập khẩu cũng rất được ưa chuộng. Thời gian qua, ngoài các mặt hàng truyền thống như tôm đông lạnh, tôm sú sống, mực, bạch tuộc... thì cá tra và cá ba sa của Việt Nam cũng đang tiêu thụ tốt tại thị trường Trung Quốc. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 685 triệu USD tăng 51,9%.

Trong thời gian qua, nhu cầu của Trung Quốc với các sản phẩm trái cây nhiệt đới nhập khẩu như thanh long, vải, nhãn, xoài, sầu riêng vẫn không ngừng tăng. Năm 2016, Trung Quốc có nhiều đợt lạnh lịch sử khiến lượng cung nội địa đối với một số loại trái cây bị ảnh hưởng, trái cây của năm mới chưa vào mùa nên lượng trái cây nhập khẩu vẫn giữ xu thế tích cực.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn về lượng tinh bột sắn, nhu cầu khoảng 1,5-2 triệu tấn, hàng năm đều nhập từ Việt Nam, Thái Lan khoảng 800 nghìn tấn. Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu sắn lát khô để sản xuất cồn. Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3,2 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, đạt kim ngạch khoảng 868 triệu USD, giảm 25,7% so với năm 2015.

Phương Dung