"Việt Nam có thể tăng trưởng GDP ở mức 5% trong năm nay"

(Dân trí) - Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, tăng trưởng quý III đạt 5,4% nhờ vào khối dịch vụ tăng mạnh.Tuy vậy, HSBC dự báo tăng trưởng vẫn thấp hơn mức xu hướng và đang có khả năng ở mức 5% cho cả năm 2012.

Giá cả hàng hóa đang tăng trở lại.
Giá cả hàng hóa đang tăng trở lại.

Sáng nay 2/10, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) đã công bố bản báo cáo Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 10/2012. Theo đánh giá của HSBC, Việt Nam đã thành công trong việc hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng nhằm đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng vẫn thấp hơn mức xu hướng và đang có khả năng ở mức 5% cho cả năm 2012.

“Sự suy giảm kinh tế nên được xem là cơ hội để chỉnh đốn những yếu kém về mặt cấu trúc như là môi trường kinh doanh còn cồng kềnh, các doanh nghiệp Nhà nước và hoạt động đầu tư công thiếu hiệu quả. Điều này sẽ tạo ra một bộ máy có quyền quyết định để loại bỏ những sự rời rạc về chính sách, tạo ra một cơ chế công nghiệp hoá rõ ràng hơn để phát triển năng lực sản xuất cũng như nắm bắt năng lực cạnh tranh vốn có của Việt Nam.

Với thiện chí của Chính phủ sẵn sàng hy sinh tăng trưởng để có được một môi trường kinh tế vĩ mô dễ quản lý hơn, chúng tôi hy vọng những chiếc lá đang rơi rụng sẽ là dấu hiệu của sự phục hồi mạnh mẽ hơn mùa xuân sắp tới”, bản báo cáo nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của HSBC, áp lực lạm phát đang tăng. Lạm phát toàn phần trong tháng 9 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi mức tăng của tháng 8 là 5%. Xét về tính liên tục thì lạm phát toàn phần có điều chỉnh yếu tố mùa vụ của tháng 9 đã tăng 2,1% so với tháng trước, trong khi tháng 8 chỉ tăng 1,2%.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng này cũng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tháng 8 tăng 8,8%. Xét theo tháng thì lạm phát cơ bản có điều chỉnh yếu tố mùa vụ tháng 9 tăng 3,1% so với tháng trước trong khi tháng 8 tăng 1,6% so với tháng 7. Ngược lại, lạm phát giá cả thực phẩm giảm còn 1,8% so với năm trước so với mức 2% trong tháng 8. So sánh theo tháng có yếu tố điều chỉnh theo mùa, thì lạm phát giá cả thực phẩm tăng 0,8% so với tháng trước trong khi tháng 8 chỉ tăng 0,5% so với tháng 7.

Nếu như sự gia tăng mạnh của cả lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản vẫn đáng để thận trong, nhưng theo HSBC, giá cả những mặt hàng thiết yếu như giá gas, điện, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tiền học phí tăng cao có nguyên nhân chủ ý từ những biện pháp quản lý hành chính. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và học phí là những mức tăng mới xuất hiện và do lợi dụng lạm phát giá cả thức phẩm vì lạm phát cao năm ngoái không cho phép Chính phủ tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.

Theo quan điểm của HSBC, “điều này được đánh giá là tích cực vì Chính phủ có cơ hội cắt giảm thâm hụt ngân sách và duy trình bình ổn giá cả. Mặc dù lạm phát tăng không phải là nguyên nhân đáng lo ngại do nhu cầu nội địa vẫn còn thấp, nhưng nếu chúng ta kỳ vọng vào một sự phục hồi trong quý IV/2012 thì lạm phát có thể tiếp tục tăng, mặt dù với tốc độ chậm hơn mức 2% so với tháng 9”.

Chính vì vậy, như dự báo về lãi suất chính sách trên thị trường mở (OMO), HSBC tin rằng không có cơ hội để cắt giảm thêm lãi suất, và mức này sẽ vẫn giữ ở 8% từ nay cho đến hết năm. Lạm phát toàn phần sẽ vẫn giữ mức một con số từ nay đến cuối năm 2012.

Nguyễn Hiền