1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh về nhân công

(Dân trí) - "Nguồn nhân công giá rẻ có thể không phải là một lợi thế trong dài hạn của Việt Nam và một số nhà đầu tư Hồng Kông tỏ ra khá thận trọng với quyết định đặt nhà máy sản xuất tại đây."

Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Tư bản công nghiệp trẻ Hồng Kông, ông Paul So Wing-keung. Ông này cho rằng trong 30 đến 50 năm tới, nguồn nhân công giá rẻ sẽ không còn là một yếu tố mang tính quyết định đối với nhà đầu tư.

 

“Hiện tại, Việt Nam đang có sức hút lớn đối với giới đầu tư Hồng Kông, nhưng chúng tôi vẫn còn đang băn khoăn không biết có nên chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam không,” ông So phát biểu trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Việt Nam.

 

Hồng Kông vẫn đang là một nhà đầu tư lớn ở Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh lực dệt may. Việc đặt nhà máy tại Việt Nam giúp các công ty tiết kiệm khoảng 10-30% chi phí. Theo một báo cáo của Hội đồng phát triển thương mại Hồng Kông, mức lương tối thiểu hiện nay ở TPHCM là 55 USD/người/tháng, thấp hơn mức 87 USD ở Đông Quan, Trung Quốc.

 

Ông So cho biết nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Hồng Kông tìm đến đầu tư tại Việt Nam chính là khả năng tiếp cận với các đối tác lớn, như Mỹ, dễ dàng hơn. Các biện pháp bảo hộ chống lại hàng xuất khẩu của Trung Quốc không chỉ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp Hồng Kông, mà còn ngăn cản hàng hóa của Trung Quốc xâm nhập thị trường nước ngoài.

 

Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại Việt-Mỹ ký năm 2000, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được hưởng chế độ đãi ngộ công bằng như các đối tác khác đã ký thỏa thuận tối huệ quốc với Mỹ.

 

Tuy nhiên, ông So cho rằng lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ sẽ bị thu hẹp trong vài thập kỷ tới.

 

Thực tế là hiện nay mức lương ở tỉnh Bình Dương cũng tương đương với mức lương ở Đông Quan, Trung Quốc. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm kiếm các lợi thế khác.

 

Năm ngoái, Việt Nam đã thu hút được 10 tỷ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý rằng trong 10-15 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp. Vì vậy, để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống giao thông vận tải và mạng lưới viễn thông.

 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ có các chính sách ưu đãi thuế đối với tất cả các nhà đầu tư.

 

Hiện tại, ưu đãi thuế chỉ dành cho một số ngành có chọn lọc.

 

Đặng Lê

Theo Hongkong Standard