Việt Nam chỉ được dùng tên “sâm panh” trong 10 năm nữa
(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường tại hội thảo “HIệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý” diễn ra sáng nay (28/8) tại Quảng Ninh.
Chia sẻ về thông tin đáng chú ý này, ông Linh cho biết: “Với loại rượu sâm panh mà chúng tay vẫn hay uống, thì sau khi kí hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ chỉ được phép sử dụng cái tên này trong vòng 10 năm tới. Bởi “sâm panh” là tên một địa danh của Pháp.”
“Do đó, sau 10 năm nữa, nếu các cơ sở kinh doanh, bán rượu vẫn tiếp tục sử dụng cái tên này thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt”, ông Linh cho biết thêm.
Không chỉ tên “sâm panh”, thậm chí theo ông Linh, ngay cả tên các quán cà phê nhái thương hiệu nổi tiếng cũng sẽ bị tháo dỡ và xử phạt. Lấy ví dụ một trường hợp mới đây tại Hà Nội, ông Linh cho biết: “Tháng 3 vừa qua, một tập đoàn rất lớn của Pháp là Louis Vuitton đề nghị Tổng cục quản lý Quản lý thị trường ký 1 thoả thuận. Theo đó, họ muốn thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Do lượng hàng nhái thương hiệu của họ ở thị trường Việt Nam là rất lớn.”
Theo ông Linh, không chỉ hàng nhái, ngay cả quán cà phê sử dụng tên thương hiệu của họ cũng là vi phạm. Vì mới đây, người của tập đoàn này đã phát hiện 1 quán cà phê ở Ecopark có sử dụng tên thương hiệu Louis Vuitton để làm tên quán. Trên thực đơn của quán cũng có hoa văn, nhãn hiệu của họ.
"Phía tập đoàn đã báo lên các cơ quan chức năng để tháo dỡ, nhưng phía chủ quán không chấp nhận. Sau khi chúng tôi yêu cầu tháo dỡ thì chủ quán mới chấp hành”, ông Linh chia sẻ.
Thu giữ rất nhiều đồng hồ nhái thương hiệu lớn
Nhiều nhãn hàng, tên tuổi lớn rất muốn xâm nhập Việt Nam, bởi đây là một thị trường rất tiềm năng. Thế nhưng, trước khi mở cửa hàng bán lẻ chính thức ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vào cuối năm nay, Uniqlo đã phải đề nghị phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý hàng giả, hàng nhái mạnh tay.
Tuy nhiên, dù đã xử lý rất nhiều vụ việc thì theo lãnh đạo quản lý thị trường, mức độ vi phạm không giảm, thậm chí đã chuyển sang môi trường mới. Vì bắt hàng giả hàng nhái ở chợ nhiều quá, nên các đối tượng đã chuyển sang kinh doanh trên mạng từ vài năm nay.
Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ làm mạnh tay hơn với việc vi phạm sở hữu trí tuệ
“Nếu có thu giữ thì cũng chỉ phạt hành chính từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cũng chưa đủ sức răn đe. Nên đối tượng vi phạm ngày càng mở rộng và bao gồm cả học sinh, sinh viên”, vị này cho biết thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang diễn ra rất tự nhiên, nhiều người còn nghĩ đó là việc bình thường. Tuy nhiên đó là vi phạm pháp luật, và người Việt cần phải thay đổi lối suy nghĩ, cách thức kinh doanh từ ngay bây giờ.
“Bởi khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, việc kiểm tra kiểm soát sẽ quyết liệt hơn rất nhiều, tránh tình trạng trôi nổi như hiện nay”, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường khẳng định.
Thế Hưng