1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao Thế Giới Di Động bỏ Campuchia để tiến vào Indonesia?

Bảo Yến

(Dân trí) - Mới kinh doanh ở Indonesia tròn một quý nhưng lãnh đạo Thế Giới Di Động tỏ ra tự tin ở thị trường này. Dù thế, Thế Giới Di Động cũng đồng thời mới rút khỏi Campuchia sau 6 năm đầu tư.

Tính đến ngày 8/4, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đã kinh doanh tại thị trường Indonesia với thương hiệu Era Blue tròn một quý. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc, hiệu suất kinh doanh ban đầu "tương đối tốt", trung bình thu về 4,5-5 tỷ đồng/tháng/cửa hàng. 

Với mốc doanh thu này, nếu ở Việt Nam là doanh nghiệp đã có lời. Kế hoạch của công ty là bắt đầu tăng tốc mở mới từ quý II và sẽ "mở như vũ bão" khi "tự tin nhất có thể". 

Hiện, thương hiệu Era Blue thuộc liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue), do Thế Giới Di Động hợp tác với đơn vị địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - một công ty con của Tập đoàn Erajaya.

Tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài lập liên doanh trên vào cuối năm 2022. Cũng tại thời điểm này, ban lãnh đạo bất ngờ cho biết sẽ rút khỏi thị trường Campuchia sau 6 năm đầu tư. Động thái trên gây nhiều chú ý, khi mô hình Bluetronics tại Campuchia cũng khá giống mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam, và từng được đánh giá không tệ.

Vì sao Thế Giới Di Động bỏ Campuchia để tiến vào Indonesia? - 1

Thế Giới Di Động đã kinh doanh tại thị trường Indonesia tròn một quý (Ảnh: MWG).

Ông Đoàn Văn Hiểu Em nói, dù mới điều chỉnh lại vào năm ngoái nhưng doanh nghiệp buộc phải rút khỏi do Campuchia là thị trường khá nhỏ, trong khi chính sách thuế bên đó rất phức tạp. Nếu theo đúng chính sách thuế bên đó, thì công ty phải bán giá cao hơn đến 10-15%, không còn tính cạnh tranh. Nếu hạ giá bán thì không còn hiệu quả.

Quyết định dừng lại tại Campuchia cũng là bước đi cần thiết để công ty tập trung nguồn lực cho thị trường Indonesia. Bởi lẽ, tại Indonesia, doanh thu đến nay cho thấy khách hàng đang ủng hộ mô hình của công ty do có tính khác biệt. 

Các doanh nghiệp điện máy khác tại Indonesia chỉ bán sản phẩm và không có dịch vụ. Còn công ty này khi sang thì cung cấp đầy đủ các dịch vụ, từ bán hàng, đến giao hàng lắp đặt và bảo trì. Mô hình này trước đó chưa từng có tại Indonesia.

Trong khi, thị trường Indonesia có quy mô, diện tích và dân số đều lớn hơn Việt Nam. Về cơ cấu tiêu dùng, doanh thu mảng điện thoại cũng gấp hai lần Việt Nam. Nhưng mảng điện máy thì không cao như vậy, doanh thu chỉ bằng khoảng phân nửa tại Việt Nam, nghĩa là còn sơ khai.

Với lợi thế thị trường Indonesia còn mới, đối thủ cạnh tranh không có nhiều, công ty ông Nguyễn Đức Tài đặt tham vọng sẽ hoàn thiện mô hình này và đạt 500 cửa hàng sau 5 năm, thậm chí còn lên kế hoạch IPO cho chuỗi này tại Indonesia.

Tại Việt Nam, dự kiến trong vòng 2-3 năm tới, triển vọng thị trường điện máy trong nước là không nhiều.

Kế hoạch cho năm 2023, chuỗi Điện Máy Xanh sẽ chỉ duy trì doanh thu, tối ưu danh mục hàng hóa. Kết thúc 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động giảm 32% so với cùng kỳ, xuống còn 14.500 tỷ đồng. Năm 2023, tập đoàn cũng đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đi ngang. Doanh nghiệp đang thực hiện chương trình giảm giá để kích cầu, dự báo sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận 2023.