Vì sao số lượng các vụ trộm cắp điện giảm dần qua các năm?
(Dân trí) - Việc kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi trộm cắp điện thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc giảm tổn thất điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) qua các năm.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 134/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vừa được Bộ Công Thương gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ này đã thực hiện 293 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 12 vụ vi phạm và đã xử phạt tổng số tiền là 393 triệu đồng.
Sở Công Thương các địa phương phát hiện tổng số vụ vi phạm hành chính cần xử lý gần 19.000 vụ, tổng số tiền xử phạt trên 37,8 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu là trộm cắp điện, ngoài ra còn các hành vi vi phạm khác như: vi phạm quy định về giấy phép, vi phạm hành lang an toàn điện (do thi công công trình xây dựng, điều khiển phương tiện giao thông), thiết kế, lắp đặt thiết bị điện không đáp ứng các quy định về kỹ thuật và an toàn điện, vi phạm các quy định trong bán lẻ điện, không có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, không cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận; vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng, vi phạm quy định về áp dụng mô hình quản lý năng lượng,…
Riêng đội ngũ kiểm tra viên điện lực các Tổng công ty điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong giai đoạn 2015-2019 đã phát hiện 19.565 vụ vi phạm với tổng số tiền cần bồi thường là 198 tỷ đồng.
"Hành vi vi phạm chủ yếu là trộm cắp điện, vi phạm hành lang an toàn điện; chuyển 16.242 hồ sơ vi phạm hành chính tới các cấp có thẩm quyền để xem xét xử phạt; số vụ bị khởi tố hình sự là 349, chiếm 36% số vụ đề nghị khởi tố hình sự (970 vụ)"- báo cáo cho hay.
Bộ Công Thương nhận định, việc kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi trộm cắp điện thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc giảm tổn thất điện năng của EVN qua các năm.
Số lượng các vụ trộm cắp điện giảm dần qua các năm ngoài lý do các đơn vị cung ứng điện hiện đã và đang thay thế dần các công tơ cơ sang công tơ điện tử nhằm ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện sau công tơ, còn một phần nguyên nhân xuất phát từ quy định xử phạt về hành vi trộm cắp điện tại Nghị định 134 khá cao, có tính răn đe.
Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng vi phạm trong hoạt động điện lực như trộm cắp điện, hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực... vẫn gặp khó khăn, do công tác giám định tư pháp, việc xác định thời gian, sản lượng điện bị mất gặp vướng mắc; chứng cứ để truy tố không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính. Nhiều trường hợp không tìm được địa chỉ đơn vị hoạt động tư vấn vi phạm để xử lý theo quy định.
Một bộ phận doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện chưa nghiêm, không cộng tác và cản trở kiểm tra viên điện lực thực hiện hoạt động kiểm tra theo quy định.
Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt này là quá nhẹ so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực cũng như hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Công Thương đề xuất nâng gấp đôi mức phạt trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2020.
Vì vậy, để phù hợp với luật sửa đổi, bổ sung năm 2020, Bộ Công Thương khẳng định cần thiết phải sửa đổi Nghị định 134 để phù hợp với tình hình hiện nay.