Vì sao rắn có thể lên máy bay Vietjet?
(Dân trí) - Rắn là động vật bị cấm đưa lên máy bay dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, việc 1 con rắn sống bất ngờ xuất hiện trên máy bay của Vietjet trước giờ khởi hành khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không đều có thể có những quy định khác nhau trong điều lệ vận chuyển, tuy nhiên đối với động vật sống thì cơ bản giống nhau về việc cấm hoặc quy định rất nghiêm ngặt.
Quy định hiện nay nêu rõ động vật cảnh vận chuyển dạng hành lý ký gửi, hàng hóa, chỉ bao gồm: Chó, mèo, chim. Các vật nuôi khác không được coi là động vật cảnh và phải được vận chuyển theo đường hàng hóa.
Trở lại với vụ việc của Vietjet, một con rắn cảnh còn sống, có chiều dài khoảng 20cm chui ra từ hộc để hành lý khoang khách, trên máy bay VJ162 trước giờ khởi hành từ TPHCM đi Hà Nội chiều 7/6, khiến nhiều người hốt hoảng.
Nhà chức trách hàng không cho biết: “Nếu con rắn do khách mang lên máy bay là vi phạm quy định. Muốn vận chuyển rắn cảnh, khách phải được sự cho phép của hãng vận chuyển và phải gửi theo đường hàng hóa”.
Cần phải nói thêm rằng, các loại động vật sống trong trường hợp được hãng chấp nhận vận chuyển, kể cả theo đường hàng hóa hay hành lý ký gửi thì bắt buộc phải tuân theo những quy chuẩn về đóng gói rất nghiêm ngặt, phải có chuồng, cũi, lồng…
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao con rắn sống có thể lên máy bay? Trường hợp con rắn cảnh vô tình bị xổng ra ngoài thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo quy trình kiểm soát an ninh hàng không, hành khách và hành lý trước khi lên máy bay phải qua cổng soi chiếu. Tại đây, hệ thống quét tự động sẽ phát hiện bất kỳ vật phẩm nào, đặc biệt là những vật phẩm nguy hiểm, vật phẩm nằm trong danh mục bị cấm.
Thậm chí, khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ, lực lượng kiểm soát an ninh có thể tiến hành kiểm tra trực quan đối với hành khách và hành lý đi máy bay, thông báo cho hãng hàng không biết để phối hợp ngăn chặn.
Có ý kiến cho rằng, con rắn có kích thước nhỏ, hình ảnh trên máy soi chiếu tương tự như chất hữu cơ thông thường nên khó xác định khi phân tích. Tuy nhiên, lý giải này chưa thực sự thuyết phục với 1 quy trình kiểm tra an ninh chặt chẽ hiện nay.
Chuyến bay VJ162 khởi hành từ TPHCM đi Hà Nội, lực lượng an ninh soi chiếu thuộc cơ quan Cảng vụ Hàng không miền Nam. Đại diện Cảng vụ này cho biết: “Trong ngày 7/6, chiếc máy bay phát hiện có rắn của Vietjet đã thực hiện khá nhiều chuyến bay, vì vậy việc xác định rắn lên máy bay từ sân bay nào, do hành khách đi chuyến bay nào mang lên máy bay cũng hết sức khó khăn”.
Cũng theo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng của an ninh hàng không là kiểm tra phát hiện vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác đưa trái phép vào khu vực hạn chế.
“Không có nghĩa là an ninh hàng không chỉ phải phát hiện những thứ thuộc danh mục vật phẩm nguy hiểm bị cấm, hạn chế mang theo người lên máy bay. Nếu phát hiện hàng giả, hàng cấm, an ninh hàng không phải phối hợp với hải quan, quản lý thị trường, kiểm lâm. Khi có dịch bệnh phối hợp với y tế” - đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam thông tin.
Được biết, Cảng vụ hàng không miền Nam đang rà soát máy soi chiếu an ninh để làm rõ vụ việc. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã lập tổ xác minh để có căn cứ cụ thể đưa ra hình thức xử lý sự việc này.
Hiện hãng hàng không Vietjet vẫn chưa lên tiếng về sự việc hi hữu này cũng như nêu vai trò, trách nhiệm trước việc rắn xuất hiện trên máy bay của mình.
Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 17h ngày 7/6, chuyến bay VJ162 của Vietjet chuẩn bị cất cánh rời Tân Sơn Nhất - TPHCM đi Hà Nội thì một con rắn bất ngờ xuất hiện trên hộc để hành lý hành khách, hàng ghế số 15.
Trước tình hình này, tổ bay buộc phải dừng việc cất hạ cánh, giải tỏa hành khách khỏi khu vực có rắn và thông báo với bộ phận mặt đất hỗ trợ. Tổ lái phải đưa máy bay quay đầu về bãi đỗ.
Phi hành đoàn đã thực hiện quy trình đưa hành khách rời máy bay trở lại nhà ga để đảm bảo an toàn và chờ bộ phận có trách nhiệm xử lý sự việc, thực hiện việc bắt rắn.
Châu Như Quỳnh