1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao nhiều doanh nghiệp gia đình chưa phát triển qua hết một thế hệ?

(Dân trí) - “Một số liệu thống kê cho thấy, trên thế giới, 70% công ty theo mô hình doanh nghiệp gia đình khó duy trì đến thế hệ thứ hai và 90% không thể duy trì đến thế hệ thứ 3. Những công ty Việt Nam đi sau, có thể rút kinh nghiệm từ sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới”.

Đó là nhận định mà ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo Quản trị Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam vừa được tổ chức tại TPHCM vào ngày 31/10.

Vì sao nhiều doanh nghiệp gia đình chưa phát triển qua hết một thế hệ? - 1
Hội thảo Quản trị Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam vừa được tổ chức tại TPHCM vào chiều 31/10.

“Tuổi thọ” của doanh nghiệp gia đình chưa cao

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng mà cụ thể là doanh nghiệp gia đình đang là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Điển hình, trong 3 năm vừa qua, về đóng góp GDP, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 40% và có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2018, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 43% GDP cả nước và sẽ đạt 65% vào năm 2030. Về tạo việc làm, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) thu hút trên 83% lực lượng lao động, tương đương trên 45 triệu người, mức độ áp đảo so với khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực FDI.

Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực KTTN tăng nhanh (trên 15%/năm), cao gấp đôi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy, sự phát triển kinh tế tư nhân phát huy vai trò đổi với việc vủng cố nền tài chính quốc gia.

Phó Chủ tịch VCCI cũng cho hay, hiện nay, Việt Nam có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Đa số các doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 96%), doanh nghiệp qui mô vừa chiếm 2% và 2% còn lại là doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý, có không ít doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp gia đình lớn mạnh, có nhiều sản phẩm mang thương hiệu uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, do đặc trưng của quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhiều doanh nghiệp gia đình vẫn chưa phát triển qua hết một thế hệ, hoặc mới bắt đầu quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Bên cạnh đó, việc chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, những vấn đề tế nhị trong việc chuyển giao quyền quản lý giữa các thế hệ, việc thừa kế tài sản công ty… đang là những vấn đề rất được quan tâm của doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

“Một số liệu thống kê cho thấy, trên thế giới, 70% công ty theo mô hình doanh nghiệp gia đình khó duy trì đến thế hệ thứ hai và 90% không thể duy trì đến thế hệ thứ 3. Những công ty Việt Nam đi sau, có thể rút kinh nghiệm từ sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới”, ông Thành nói. 

Vì sao nhiều doanh nghiệp gia đình chưa phát triển qua hết một thế hệ? - 2
Ông Phạm Phú Trường cho rằng, mô hình doanh nghiệp gia đình có nhiều điểm mạnh

Phải kế nghiệp sáng tạo

Tham luận tại hội thảo, ông Phạm Phú Trường, Tổng Giám đốc GIBC kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) cho rằng, mô hình doanh nghiệp gia đình có nhiều điểm mạnh. Cụ thể, do được điều hành bởi các thành viên gia đình nên doanh nghiệp gia đình có yếu tố tinh thần trách nhiệm, sự cam kết dựa trên huyết thống và truyền thống đa phần cao hơn các công ty bình thường khác.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp gia đình còn có lợi thế là các quyết định trong kinh doanh sẽ linh hoạt hơn so với các công ty không có yếu tố gia đình. Ngoài ra, tính truyền thống hay nói cách khác là tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị của gia đình cũng như của doa nh nghiệp sẽ được tiếp thu, tiếp quản và thực hiện dễ dàng hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thêm nữa, các doanh nghiệp gia đình có xu thế hoạt động bền vững hơn về mặt tài chính do sự ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích tài chính của các thành viên trong gia đình.

Còn xét về điểm yếu thì theo ông Trường, các thế mạnh kể trên sẽ là điểm yếu khi các thành viên trong gia đình sống quá khác biệt, không hòa thuận, không còn chung chí hướng.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp gia đình tồn tại và phát triển bền vững thì cần kết hợp yếu tố pháp lý trong luật Doanh nghiệp với luật Doanh nghiệp gia đình hoặc ít nhất vài điều khoản dành cho doanh nghiệp gia đình nằm trong luật doanh nghiệp.

Cũng liên quan tới quan tới việc phát triển doanh nghiệp gia đình, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM có bài tham luận cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp thế hệ sáng lập được thành lập từ khi có Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty ra đời, doanh nhân thế hệ sáng lập công ty ở tuổi 50 đến 70 tuổi.

Theo đó, vấn đề chuyền giao cho thế hệ kế nghiệp đang là vấn đề “nóng bỏng”, cấp thiết để duy trì và phát triển doanh nghiệp gia đình. Kế nghiệp là kế thừa và tiếp tục, nhưng kế nghiệp không chỉ đơn giản như vậy mà phải kế nghiệp sáng tạo.

“Chúng ta hình dung doanh nghiệp gia đình như một con tàu, mỗi thế hệ phải lắp thêm một toa mới, không chỉ kế thừa truyền thống kinh doanh của gia đình, mà phải bắt kịp với nhịp độ và xu hướng kinh doanh của toàn cầu để hội nhập và phát triển bền vững”, ông Dũng nhận định.

Quế Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm