1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao người Việt "sùng bái" vàng?

(Dân trí) - Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, ba yếu tố văn hóa, lạm phát và niềm tin vào đồng nội tệ thấp chính là nguyên nhân khiến người Việt Nam đổ xô vào vàng.

Standard Chartered vừa công bố một báo cáo khá chi tiết về thị trường vàng Việt Nam với những đánh giá về các biện pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Bản báo cáo cũng đưa ra những con số phân tích gây chú ý về thị trường vàng tại Việt Nam.

Mang tên “Addicted to Gold” (“Sùng bái vàng”), bản báo cáo được thực hiện sau một chuyến thăm gần đây của các chuyên gia thuộc Standard Chartered tới Việt Nam. Trong chuyến thăm này, “đa số khách hàng và các quan chức mà chúng tôi hỏi chuyện đều coi diễn biến của thị trường vàng trong thời gian gần đây là một trong những trọng tâm của nền kinh tế”, báo cáo cho biết.
 
Vì sao người Việt sùng bái vàng? (ảnh minh họa)
Vì sao người Việt "sùng bái" vàng? (ảnh minh họa)
Ba lý do để nắm giữ vàng

Khi đánh giá về sự ham thích vàng của người Việt Nam, Standard Chartered cho biết, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ tư tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Theo ngân hàng này, điểm đặc biệt ở Việt Nam đó là vàng, USD và tiền đồng đều được sử dụng rộng rãi như tiền tệ. “Vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy”, báo cáo viết.

Standard Chartered đã đưa ra ba nguyên nhân lý giải vì sao người Việt Nam lại ưa chuộng nắm giữ vàng.

Thứ nhất là do yếu tố văn hóa. Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng, “từng trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người Việt đã thấm thía sự nghèo đói và thất nghiệp. Nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và vẫn tiếp tục mua vào dù giá cả bất ổn”.

Thứ hai là do yếu tố lạm phát. Trong vòng 5 năm/ qua, đã có hai đợt lạm phát cao xảy ra ở Việt Nam, với tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh 23% vào tháng 8/2011. Theo Standard Chartered, nắm giữ vàng như hầm trú ẩn an toàn trước những rủi ro lạm phát và tác động do sức mua sụt giảm được người Việt Nam coi là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản. “Cũng có chung nhận định như vậy, những người sở hữu đất hiện nay thường định giá đất bằng vàng (song song với VND) nhằm tránh tình trạng mất giá”, báo cáo viết.

Và nguyên nhân thứ ba, theo các chuyên gia thực hiện báo cáo đánh giá, do thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, người Việt trở nên ưa chuộng vàng và USD. “Kể từ cuối năm 2008, tiền đồng đã bị mất giá 23% do áp lực lạm phát và nền kinh tế có vị thế yếu trên trường quốc tế. Điều này đã là suy giảm niềm tin và nhu cầu đối với đồng nội tệ, dẫn đến tiền đồng đã yếu càng trở nên yếu hơn. Bài học mà người Việt rút ra được từ giai đoạn khắc nghiệt này đó là nên nắm giữ các loại “tiền tệ mạnh”, như vàng và USD”.

Báo cáo dẫn số liệu ước tính của Hiệp Hội Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, tổng lượng vàng tích trữ tại Việt Nam hiện đạt khoảng 1.000 tấn, tương đương 45% GDP, trong khi đó, tại đa số các nước khác trên thế giới, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 3% GDP.

Nguy cơ từ vàng

Standard Chartered nêu rõ, xu hướng nắm giữ vàng của người dân đã gây ra những thách thức lớn cho Chính phủ Việt Nam, vì niềm tin đặt vào vàng và USD cao hơn so với tiền đồng đã làm suy yếu vai trò của đồng nội tệ và dẫn đến những rủi ro đối với hệ thống kinh tế.

“Về khía cạnh tiêu cực, việc tích trữ vàng với số lượng lớn tại Việt Nam đã tác động tiêu cực đến cán cân thương mại (do nhập khẩu vàng với khối lượng lớn), đồng thời, tạo áp lực mất giá lên tiền đồng do người dân có xu hướng dùng đồng nội tệ để mua vàng. Sự chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế đã dẫn tới tình trạng đầu cơ và buôn lậu vàng, gây bất ổn trong nền kinh tế” báo cáo viết.

Báo cáo dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tấn vàng (tương đương 4,4 tỷ USD) mỗi năm, chiếm 5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Những biện pháp kiểm soát

Bản báo cáo đã điểm lại những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đã tung ra trong những năm gần đây nhằm bình ổn thị trường vàng. Trong đó, từ tháng 5/2008-11/2009, Ngân hàng Nhà nước hạn chế nguồn cung vàng bằng cách không cho nhập khẩu vàng trong bối cảnh thâm hụt thương mại tăng mạnh và tiền đồng mất giá.

Tiếp đó, đến tháng 10/2010, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu kiểm soát hoạt động huy động cho vay bằng vàng tại các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế sự bất trong ổn tỷ giá USD/VND do các giao dịch vàng gây ra. Sau một số lần điều chỉnh, hạn chót để các ngân hàng tất toán trạng thái vàng là vào ngày 30/6/2013.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước quyết định độc quyền nhập khẩu vàng nhằm giúp các ngân hàng trả lại vàng cho người gửi trước thời hạn 30/6, đồng thời bình ổn thị trường vàng. Tính tới thời điểm Standard Chartered hoàn thành bản báo cáo, thì Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 21 phiên đấu thầu và bán ra khoảng 20 tấn vàng.

“Dựa vào thông tin về các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước và tình hình giá vàng trong nước và thế giới, chúng tôi ước tính cơ quan này đã chi ra khoảng 1 tỷ USD (10% kim ngạch nhập khẩu hàng tháng của cả nước) để nhập khẩu vàng và thu về lợi nhuận 117 triệu USD thông qua các phiên đấu thầu”, báo cáo nhận định.

Trong các cuộc trao đổi với Standard Chartered, các quan chức của Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết, “về dài hạn, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch thành lập 2 trung tâm giao dịch vàng miếng tại Hà Nội và Tp.HCM để đấu thầu công khai ra công chúng, có thể là sau 2 năm nữa nếu nhận thấy thị trường vàng đã đi vào ổn định. Hành động này cũng sẽ cho phép việc thực hiện các giao dịch vàng liên ngân hàng”.

Đánh giá về các biện pháp quản lý thị trường vàng hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, báo cáo của Standard Chartered cho rằng, mặt tích cực là “Việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường nhập khẩu vàng trong thời gian gần đây đã phần nào giúp bình ổn giá vàng trong nước - kể từ phiên đấu thầu vàng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng nội địa đã trở nên ổn định hơn (tính trung bình theo ngày) so với giá thế giới”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về những biện pháp trên, cho rằng các biện pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

“Lượng cung vàng nội địa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thể hiện qua việc khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Do nguồn cung không đủ và tâm lý ưa chuộng vàng của người tiêu dùng, giá vàng nội địa trong những năm gần đây luôn cao hơn giá vàng quốc tế. Nhìn chung, giá tham chiếu tại các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước được xác định dựa theo giá quốc tế nhưng lại ở ngưỡng cao hơn”, báo cáo nêu. 

Bên cạnh đó, Standard Chartered lo ngại những biện pháp can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước có thể gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng. “Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện cơ quan này đang dùng vàng dữ trữ ngoại hối để đấu thầu, đồng thời nhập khẩu một lượng vàng tương đương để duy trì dự trữ ngoại hối. Điều này rốt cuộc lại làm giảm dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trong nước chỉ có thể dùng VND để mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, điều này còn đặt áp lực giảm giá lên tiền đồng”, báo cáo viết.

Báo cáo của Standard Chartered kết luận rằng, các biện pháp hiện hành sẽ chỉ có tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Thúc đẩy sự ổn định của nền kinh tế, cải thiện niềm tin vào tiền đồng và làm giảm nhu cầu về vàng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa trong dài hạn.
Phương Anh