1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao không nên xoá bỏ hoàn toàn độc quyền với hệ thống truyền tải điện?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam - cho rằng chỉ nên cho phép tư nhân tham gia một phần, không xoá bỏ hoàn toàn độc quyền đối với hệ thống truyền tải.

Luật Điện lực quy định "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện", nhưng chưa nêu rõ độc quyền trong hoạt động nào.

Do vậỵ, để tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích thêm.

Sau đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

Trong đó, đối với hệ thống truyền tải điện có tính chất xương sống, huyết mạch thì cần cân nhắc kỹ việc có cho phép đầu tư tư nhân hay không nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Vì sao không nên xoá bỏ hoàn toàn độc quyền với hệ thống truyền tải điện? - 1

Đối với hệ thống truyền tải điện có tính chất xương sống, huyết mạch thì cần cân nhắc kỹ việc có cho phép đầu tư tư nhân hay không nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Trao đổi với PV Dân trí, GS.VS Trần Đình Long-  Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam - cho rằng chỉ nên cho phép tư nhân tham gia một phần, không nên xoá bỏ hoàn toàn độc quyền đối với hệ thống truyền tải.

- Phóng viên: Vì sao không nên xoá bỏ hoàn toàn độc quyền với hệ thống truyền tải điện, thưa ông?

- GS.VS Trần Đình Long: Trước tiên, cần hiểu rõ hệ thống lưới điện truyền tải cơ bản gồm 2 phần. Đối với các đường dây truyền tải điện phục vụ đấu nối một hoặc một cụm các nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, tức là nó có chức năng đưa điện từ nhà máy điện loại nào đó thì hoàn toàn có thể cho tư nhân tham gia, xoá bỏ độc quyền nhà nước.

Đối với những đường dây như vậy, chúng chỉ tải điện từ nhà máy điện đến hệ thống, đến điểm đấu nối. Nếu chủ đầu tư bỏ tiền ra làm đường dây đó thì có thể coi là tài sản phục vụ cho họ.

Việc họ tham gia đầu tư và vận hành là hoàn toàn có thể và không lo ngại gì đến vấn đề an toàn của lưới điện. Về cơ bản lưới điện này chỉ mang tính cục bộ.

Còn phần hệ thống truyền tải điện quốc gia, tức là đường dây tải công suất hai chiều, khi quản lý vận hành phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, tiêu chuẩn, có thể đe dọa đến việc cung cấp điện hệ thống thì vẫn nên giữ chức độc quyền nhà nước.

- Căn cứ vào Luật Điện lực, ông có thể giải thích cụ thể hơn về vấn đề này?

- Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải. Những đường dây 220-500kV làm nhiệm vụ liên kết, trao đổi công suất 2 chiều trên hệ thống thuộc về hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ở rất nhiều nước trên thế giới như Anh, Trung Quốc… chẳng hạn, tất cả lưới truyền tải quan trọng đều nhà nước nắm độc quyền, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên như vậy, không nên làm khác.

- Tư nhân hoá đầu tư lưới điện truyền tải theo ông sẽ mang lại lợi ích gì?

- Việc doanh nghiệp tư nhân có thể triển khai đầu tư lưới truyền tải là đáng hoan nghênh trong bối cảnh đầu tư của ngành điện rất lớn. Khi đó, chúng ta sẽ huy động được đóng góp từ nguồn vốn đầu tư tư nhân. 

Đặc biệt đối với những cụm lưới điện nằm xa hệ thống, mà hệ thống hiện hữu không đảm bảo công suất. Đối với các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nằm xa hệ thống thì việc xã hội hóa công tác xây dựng một số đường dây kết nối là cần thiết.

Người dân cũng sẽ được lợi khi việc cung cấp điện được đảm bảo hơn.

- Nếu như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư được không, thưa ông?

- Nhà đầu tư tư nhân được phép tham gia rồi thì dù nước ngoài hay trong nước đều công bằng như nhau. Nếu chúng ta chỉ xã hội hoá một phần như nêu trên thì sẽ không có lo ngại gì về an ninh năng lượng cả.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Mạnh (ghi)