Vì sao hàng Việt chưa "thắng" được hàng Trung Quốc?

(Dân trí) - Giá cả và chất lượng hàng hóa trong nước chưa phù hợp là những khó khăn mà hàng Việt đang gặp phải.

Theo Sở Công thương TP.Cần Thơ cho biết, trong 3 năm (2009- 2012), Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 98 đợt đưa hàng Việt về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư, tổ chức 6 phiên chợ quy mô ở các huyện để phục vụ người dân mua sắm với doanh số đạt trên 9,4 tỷ đồng.

Qua kết quả điều tra xã hội học được Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Cần Thơ thực hiện cho thấy, người tiêu dùng trên địa bàn TP ưu tiên dùng hàng Việt chiếm 53%; khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt chiếm 48%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn thay bằng mua hàng Việt chiếm 31%.

Kết quả điều tra dư luận cũng cho thấy, so với những năm trước đây, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam đã được người Việt Nam ưa chuộng mua sắm hơn, hầu hết ý kiến cho biết các sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép chiếm 69%; tiếp đến là thực phẩm, rau quả 51%; các sản phẩm đồ gia dụng 44%; vật liệu xây dựng, đồ nội thất 29%; thuốc điều trị bệnh, dược phẩm, dụng cụ y tế và văn phòng phẩm 28%; đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em 26%; các sản phẩm điện  tử, điện lạnh 21%; ô tô, xe máy 11%; hóa mỹ phẩm 10%....

Cũng theo báo cáo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, nếu đã có lần chọn mua hàng của Trung Quốc thì lý do chủ yếu là hàng Trung Quốc có giá rẻ 62%; hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp 37%; hàng Trung Quốc có chất lượng tốt 7%; hàng Trung Quốc có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả rẻ 9%.

Tại Bạc Liêu, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2009 đến nay, Sở đã phối hợp thực hiện 7 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và tổ chức 26 hội chợ, triển lãm thương mại với chủ đề “Ưu tiên dùng hàng Việt” với tổng doanh thu đạt hơn 30,9 tỷ đồng. Hiện nay, qua thống kê có khoảng 85% sản phẩm, hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng, hệ thống các siêu thị trong tỉnh.

Còn theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang (một tỉnh ở phía Bắc ĐBSCL) cho biết, từ cuối năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức được 12 đợt bán hàng, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng lưu động theo chương trình hàng Việt về nông thôn với tổng doanh số bán hàng hơn 8,4 tỷ đồng. Hiện nay tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có trên 80% hàng Việt được bày bán.

Một phiên chợ hàng Việt ở vùng nông thôn ĐBSCL.
Một phiên chợ hàng Việt ở vùng nông thôn ĐBSCL.

Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNƯTDHVN), lãnh đạo Sở Công thương nhiều tỉnh ĐBSCL nhận định, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc tổ chức thực hiện tốt việc phân phối sản phẩm hàng hoá Việt Nam đến các vùng nông thôn thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn.

“Người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước được nâng lên, tron khi giá cả ngày càng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, khiến cho người tiêu dùng ngày càng có sự thay đổi khi lựa chọn giữa hàng nội với hàng ngoại, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt có chất lượng”, ông Đặng Thanh Liêm- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

Còn ông Bùi Văn Hai- lãnh đạo Ban chỉ đạo CVĐHVN TP Cần Thơ đánh giá, việc đưa hàng Việt về vùng ngoại ô TP đã nâng lên một bước nhận thức về thay đổi hành vi và xây dựng được văn hoá tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân, từng bước xoá dần tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Nhiều sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước có uy tín được giới thiệu quảng bá thương hiệu thông qua nhiều hình thức, tạo được niềm tin đối với khách hàng, sức mua thị trường tăng lên hàng năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo các tỉnh cũng nhìn nhận, việc đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân ở vùng nông thôn chưa thường xuyên liên tục, số lượng hàng hóa còn ít nên lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam chưa phủ kín hết trên các địa bàn. Về mẫu mã hàng hoá chưa phong phú, phần nhiều chỉ tập trung cho các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt tiêu dùng, chưa chú ý nhiều đến các sản phẩm trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, dịch vụ hậu mãi nên chưa khai thác đúng mức thị hiếu tiêu dùng trong nhân dân.

 “Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân, nhất là những người có thu nhập cao. Trong khi đó, người dân ở các khu dân cư vùng sâu, vùng xa lại rất khó tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước với giá cả hợp lý, đồng thời thiếu những thông tin về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa mà họ mua sắm”, ông Đặng Thanh Liêm cho hay.

Lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh cũng cho rằng, giá cả, chất lượng một số mặt hàng sản xuất trong nước chưa phù hợp. Bên cạnh đó, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng còn lưu thông nhiều trên thị trường đã làm giảm uy tín hàng Việt khiến người dẫn cũng mất niềm tin. Ngoài ra, tình hình vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn như xé lẻ hàng hóa chia thành nhiều đợt và sử dụng nhiều phương tiện để vận chuyển, hoạt động lúc đêm khuya, kể cả ngày nghỉ…cũng đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Một phiên chợ hàng Việt ở vùng nông thôn ĐBSCL.
Cần tuyên truyền sâu rộng và nâng cao chất lượng, điều chỉnh giá cả hợp lý để hàng Việt được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.

Để đẩy mạnh cuộc vận động NVNƯTDHVN đến với người dân Việt Nam, theo các tỉnh thì công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và hình thức, nội dung tuyên truyền phải thiết thực và phù hợp với đặc điểm tâm lý, thị hiếu, văn hóa của từng đối tượng, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, cần vận động các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với sản phẩm cung cấp cho thị trường bằng cách sản xuất đa dạng, phong phú các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả hợp lý. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải cung cấp thông tin để khách hàng phân biệt được hàng chính hãng với hàng nhái, hàng giả tại các phiên chợ.

 
Huỳnh Hải