Hàng Việt khó ngoi lên

Hàng Trung Quốc đang ế ẩm là cơ hội tốt để hàng Việt Nam trỗi dậy chiếm lại sân nhà. Thế nhưng, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được thời cơ này.

Một năm trở lại đây, hàng loạt vụ báo động liên quan đến chất lượng hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc như ô mai, xí muội chứa hàm lượng chì lớn và chất cấm; rau, củ, quả “dính” chất gây ung thư… khiến người tiêu dùng lo sợ. Hơn 1 tháng nay, xu hướng quay lưng với hàng Trung Quốc càng thể hiện rõ hơn khi sức mua nhiều mặt hàng (đặc biệt là nông sản, quần áo thời trang Trung Quốc) giảm mạnh.

 

Đào Trung Quốc được gắn “mác” đào tiên Sapa để dễ bán.
Đào Trung Quốc được gắn “mác” đào tiên Sapa để dễ bán.

 

Giảm 30%, bán không trôi

 

Tại 2 điểm tập trung hàng nông sản Trung Quốc ở TPHCM là chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn, lượng hàng về chợ mỗi đêm giảm đến 30% so với cùng kỳ những năm trước.

 

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết: Hiện rau củ, trái cây Trung Quốc về chợ khoảng 70 - 80 tấn/đêm, chiếm khoảng 10% - 15% tổng lượng hàng. Dù đã giảm đáng kể về số lượng so với trước đây và chỉ tập trung vào những mặt hàng quen thuộc như hành tỏi, bắp cải, cà rốt, khoai tây, nho, táo, lê... nhưng khi nào hàng cùng loại trong nước không đủ cung ứng thì hàng Trung Quốc mới bán được.

 

“Không chỉ những mặt hàng có giá tương đương hàng Đà Lạt như bông cải trắng, bông cải xanh mà những mặt hàng rẻ bằng 1/2 như khoai tây (khoai tây Trung Quốc 12.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 28.000 đồng/kg), khách vẫn ưu tiên chọn hàng Việt. Vậy nên mới có tình trạng người bán trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để giả làm hàng Đà Lạt cho dễ bán, được giá” - bà Hà cho biết.

 

Cũng vì tâm lý người tiêu dùng ngán ngại hàng Trung Quốc mà một bộ phận không nhỏ tiểu thương các chợ lẻ, người bán hàng rong, lề đường cố tình đánh tráo xuất xứ hàng Trung Quốc. Tại các chợ, đầy rẫy nho xanh, nho đỏ, táo, lê, cam… được quảng cáo là hàng Thái Lan, Mỹ, Nhật, Úc… nhưng thực chất là hàng Trung Quốc 100%.

 

Cùng chung cảnh ngộ này, giới kinh doanh quần áo, giày dép Trung Quốc cũng đang rầu vì doanh thu giảm trầm trọng. Chị Thanh Hoài, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 - TPHCM, than: “Trước đây, tuần nào cũng ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) lấy hàng về bán và bỏ mối cho một số cửa hàng khác. Nhưng 2 tháng nay chưa đi lấy đợt nào vì bán không trôi”.

 

Cạnh tranh không lại về nhiều mặt

 

Trước sự suy yếu của hàng Trung Quốc, nhiều người kỳ vọng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ vươn lên lấy lại thị trường. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hiện các DN trong nước khó có thể tận dụng được cơ hội.

 

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng nông sản Trung Quốc ế không đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam có thể ngoi lên được. Cây trái, rau củ Việt Nam phong phú, nguồn giống tốt; Thái Lan, Trung Quốc phải nhập giống cây trồng của Việt Nam. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất quá cũ, manh mún khiến chất lượng rau củ, trái cây không đồng đều, sản lượng bấp bênh nên không cạnh tranh được với hàng nước ngoài.

 

“Thương lái chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nhiều trường hợp vì lợi nhuận mà ép nông dân thu hoạch sớm dẫn đến chất lượng kém, bị người tiêu dùng quay lưng thì lại đổ lỗi cho nông dân và tìm cách ép giá. Tình trạng này kéo dài nhiều năm làm cho ngành sản xuất, kinh doanh nông sản không thể phát triển được” - TS Võ Mai dẫn chứng.

 

TS Võ Mai nhận định: Muốn vực dậy tiềm năng mặt hàng trái cây, rau củ trong nước cần phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua việc thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Phải có đầu mối tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hướng dẫn áp dụng công nghệ sản xuất, công nghệ sau thu hoạch để bảo đảm chất lượng hàng nông sản.

 

Trong lĩnh vực may mặc, nhiều DN cho rằng cũng rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc vì hàng Trung Quốc có chi phí đầu vào thấp, nguyên phụ liệu rẻ, vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên không phải đóng thuế. Đa số hàng này bán tại các sạp chợ, cửa hàng thời trang nên cũng không chịu thuế; không tốn chi phí xây dựng thương hiệu… và chiết khấu cao nên vẫn có đất sống riêng. Không ít cửa hàng, thậm chí DN còn “hô biến” quần áo thời trang Trung Quốc thành hàng Việt cho dễ bán.

 

Bài toán khó cho ngành may mặc

 

Đối với lĩnh vực may mặc, vấn đề trở lại chiếm lĩnh sân nhà đã được bàn bạc nhiều lần nhưng theo các DN trong ngành, cánh cửa cạnh tranh tại thị trường nội địa chỉ thực sự mở khi ngành may mặc trong nước giải được bài toán nguyên phụ liệu.

 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may Việt Nam bắt đầu từ khâu nguyên liệu (bông, xơ) đến thành phẩm (quần áo). Tuy nhiên, hiện nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 0,75% nhu cầu bông, 30% nhu cầu xơ nhân tạo; phụ tùng ngành dệt phải nhập khẩu 100%, nguyên phụ liệu ngành may phải nhập đến 70%.

 

Theo Thanh Nhân

NLĐ